Định giá các cổ phiếu nhìn chung đã giảm khá mạnh trong thời gian qua. Đây là cơ sở cho các nhà đầu tư xem xét dò và bắt đáy những cổ phiếu có định giá hợp lý, nền tảng cơ bản và triển vọng tốt.
VN-Index tạo đáy ở 931,75 điểm, giảm 11,3% trong tháng 5 và giảm 22,6% từ mức đỉnh được lập ngày 9/4. Chỉ số VN-Index đã phục hồi trong những phiên cuối tháng lên 971,25 điểm nhưng vẫn thấp hơn mức cuối năm 2017.
Chứng khoán phái sinh lên ngôi
Không chỉ thất vọng về điểm số, giao dịch thị trường cũng rất trầm lắng trong tháng 5. Giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt 7.160 tỷ đồng/phiên, nếu không tính giao dịch kỷ lục 30.716 tỷ đồng cổ phiếu VHM thì giá trị giao dịch cả thị trường chỉ đạt mức 5.764 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong 7 tháng.
SSI cho rằng, thanh khoản sụt giảm có thể do một phần dòng tiền đã dịch chuyển từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng kém tích cực. Trong tháng 5, giá trị giao dịch của thị trường phái sinh đã tăng gấp 2,3 lần tháng 4, đạt mức bình quân 7.400 tỷ đồng/phiên, và vượt qua thị trường cơ sở. Phiên kỷ lục vào ngày 30/5 đã có 114.000 hợp đồng được giao dịch, tương đương với 10.446 tỷ đồng giá trị hợp đồng. Thị trường giảm điểm đã tạo điều kiện cho các hợp đồng tương lai phát huy lợi thế giao dịch hai chiều và giao dịch T+0 vượt trội so với thị trường cơ sở.
Khối ngoại liên tục bán ròng đã gia tăng sức ép lên thị trường. Trong tháng 5, giá trị bán ròng của khối này tính riêng khớp lệnh là 6.600 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 3.000 tỷ đồng trong tháng 4. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng trong 4 tháng liên tiếp với giá trị lên tới 12.800 tỷ đồng. Nhờ một số giao dịch thỏa thuận lớn, đáng chú ý là giao dịch 28.500 tỷ đồng cổ phiếu VHM, nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng trên thị trường chứng khoán với giá trị 35.100 tỷ đồng lũy kế từ đầu năm.
Điểm sáng là các quỹ ETF đang có động thái mua vào khá tích cực trong thời gian gần đây. Trong tháng 5, 3 quỹ ETFs đã liên tục tăng vốn và mua ròng 386 tỷ đồng cổ phiếu. Mặc dù quỹ VanEck bị rút vốn, nhưng hai quỹ VFM VN30 và DB FTSE Vietnam ETF được tăng vốn đáng kể, giúp tổng dòng vốn ETF đảo chiều tăng khá từ tháng 5.
Định giá cổ phiếu giảm mạnh
Theo SSI, sau đợt giảm sâu, định giá của thị trường đã được đưa về mức hợp lý hơn. P/E của VN-Index giảm từ 21,5x về mức 18x. Nếu không tính VHM mới niêm yết trong tháng, P/E thị trường chỉ còn 16,1x, ngang với mức trung bình của giai đoạn đầu 2017. Thị trường chứng khoán đã giảm trở lại nền định giá cũ, tăng trưởng của thị giá phù hợp hơn với mức tăng trưởng lợi nhuận.
Ở một số nhóm cổ phiếu chủ chốt, định giá cũng giảm rõ rệt. Theo đó, P/E của nhóm ngân hàng giảm từ 20,2x vào cuối tháng 2 về 13,5x vào cuối tháng 5. Định giá P/B của nhóm này cũng được đưa về 2x sau khi tăng lên hơn 2,4x trước đó. Trong khi đó, P/E của nhóm bất động sản giảm về 16,7x vào cuối tháng 5, vẫn cao hơn so với mức 15x vào cuối tháng 9/2017 do kỳ vọng về thị trường bất động sản tăng cao. Tương tự, định giá P/E của nhóm dầu khí cũng giảm về 16,7x từ mức 24,6x vào cuối tháng 1 do thị trường kỳ vọng giá dầu tiếp tục tăng giá. Đáng chú ý, nhóm chứng khoán đang giao dịch ở mức P/E khá thấp 10x, giảm đáng kể so với cuối tháng 9/2017.
Giới chuyên gia cho rằng, định giá các nhóm cổ phiếu nhìn chung đã giảm khá mạnh trong thời gian qua, góp phần kích thích lực mua ở những phiên đầu tháng 6. Đây là cơ sở cho các nhà đầu tư xem xét dò và bắt đáy những cổ phiếu có định giá hợp lý, nền tảng cở bản tốt và triển vọng tích cực trong trung và dài hạn.