Các nhà đầu tư đang phải chứng kiến thị trường chứng khoán được bơm căng bong bóng, nền kinh tế trì trệ, hàng loạt các khoản thu nhập giảm. Liệu đây có phải dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng lớn sắp diễn ra?
Thị trường chứng khoán đã chứng kiến những bước nhảy vọt lãi suất kể từ tháng 3/2017 và các nhà đầu tư đang lo ngại về sức mạnh của đợt tăng cổ phiếu kéo dài 7 tháng – dài nhất trong lịch sử.
"Đỏ sàn" thị trường chứng khoán
Nhìn vào thị trường chứng khoán thế giới cuối tuần qua, các nhà đầu tư không khỏi băn khoăn khi đặt câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu cho sự bắt đầu một điều gì ghê gớm? ví dụ như một cuộc khủng hoảng chẳng hạn. Trước đó, cảnh báo về rủi ro bong bóng chứng khoán đã được đưa ra nhiều lần trong một thời gian dài, tuy nhiên, thị trường đã phớt lờ những cảnh báo này. Tính đến thời điểm này, chỉ số S&P 500 đã tăng gần 50% trong vòng chưa đầy hai năm.
Ông Jeffrey Schulze, chuyên gia phân tích chiến lược tại Clearbridge Investments quản lý khối tài sản trị giá 137 tỷ USD nhận định: “Đó có thể là bước ngoặt của sự biến động. Tất cả chúng ta đã trải qua một năm 2017 suôn sẻ khi thị trường chứng khoán không gặp bất cứ “sóng gió” nào. Năm 2018 có thể sẽ có nhiều biến động, nhưng không phải là kết thúc chu kỳ tăng trưởng”.
“Để thấy được sự sụt giảm của chu kỳ tăng trưởng hãy nhìn vào Mỹ. Hiện nay, chúng tôi có một bảng theo dõi tại thị trường chứng khoán Mỹ với 12 biến số, phần lớn các biến số này đang hoạt động hết sức bình thường, chỉ có duy nhất một chỉ số đang mức mức cảnh báo”, ông Schulze nhấn mạnh.
Ngày 2/2 vừa qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 2,1% xuống còn 2,762.13 điểm và giảm 3,9% trong tuần vừa qua, đây là những mức giảm cao nhất tính từ tháng 1/2016. Ngoài ra, chỉ số của Dow Jones giảm 665,75 điểm xuống 25.520,96 điểm, đưa tổng số điểm giảm trong năm nay của chỉ số này lên đến 1.095,75 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số Nasdaq 100 cũng giảm 3,7% trong tuần vừa qua trong khi đó chỉ số biến động Cboe tăng 56%.
Trước đây, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm là do ngành công nghiệp sụt giảm. Tuần vừa qua cũng ghi nhận 11 ngành công nghiệp trong chỉ số S&P 500 đều sụt giảm, một điều chưa từng xảy ra kể từ tháng diễn ra bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không ảnh hưởng đến thị trường chung
Chuyên gia phân tích chứng khoán Phan Long cho rằng, CAPE Ratio hay Shiller PE Ratio là chỉ số của GS. Shiller, người đoạt giả Nobel 2013 vì các công trình nghiên cứu về tài chính hành vi và dự báo chính xác các cuộc khủng hoảng Dot- Com 2000 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Shiller PE Ratio là chỉ số phản ánh mức độ định giá thấp của thị trường (undervalued) hoặc mức độ bị thổi phổng (overvalued). Shiller PE Ratio đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây, cao hơn đợt Đại khủng hoảng kinh tế năm 1930 và dần tiếp cận đến mức cao nhất của cuộc khủng hoảng vỡ bong bóng Dot- Com 2000. 10 năm trước, chỉ số Dow Jones chỉ khoảng hơn 7.000 điểm, thời điểm hiện tại là hơn 25.000 điểm, được cho là một quả bóng đang được thổi rất căng.
Ông Phan Long nhận định: “Trong ngắn hạn sẽ chưa có cái gì đó ghê gớm xảy ra. Bởi lẽ thị trường không có những khủng hoảng đổ theo hiệu ứng domino kiểu như khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2007-2008”.
Đồng tính với quan điểm này, ông Evan Brown, Giám đốc phân bổ tài sản của New York cho nhóm các giải pháp đầu tư tại UBS Asset Management nhận định: “Sức mạnh cơ bản của nền kinh tế vẫn còn tốt với mức lãi suất thấp”.
Cũng theo ông Brown, sự sụt giảm giá trị các chỉ số chứng khoán trong tuần vừa qua cũng không đáng kể. Ngoài ra, Bộ lao động Mỹ cũng cho biết, các nhà tuyển dụng Mỹ đã bổ sung 200 nghìn việc làm vào thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 4,1%, mức thấp nhất trong 17 năm qua.