Tháng 5 thường không phải là giai đoạn các nhà đầu tư chứng khoán có xu hướng mua vào, bởi câu nói "Sell in May" luôn làm cho các nhà đầu tư có tâm lý thận trọng.
Theo IndexQ, Việt Nam là thị trường chứng khoán (TTCK) có mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng khi mất 10,37%. Đứng sau là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 7,39%), Nga (6,18%) và Mông Cổ (5,35%).
Đà giảm trong gần một tháng qua cũng khiến TTCK Việt Nam tụt xuống vị trí thứ hai trong danh sách những thị trường tăng tốt nhất thế giới trong 6 tháng, ngôi đầu thuộc về Ai Cập. Còn nếu tính trong một năm, Việt Nam giảm xuống vị trí thứ tư.
Trước đó, nhiều Công ty chứng khoán đánh giá năm 2018 sẽ làm năm khả quan đối với TTCK Việt Nam. CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo năm 2018 vẫn là năm khả quan cho TTCK Việt Nam, không chỉ dựa vào dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài mà tỷ suất sinh lợi khoảng 48% của VN-Index trong năm 2017. Đây sẽ là lực cầu đối ứng hấp thụ nguồn cung cổ phiếu vào TTCK, dự báo cũng tăng mạnh không kém trong năm 2018, bao gồm nhóm doanh nghiệp Nhà nước IPO, niêm yết mới, và phát hành thêm. "Vùng điểm hợp lý của VN-Index cho năm 2018 sẽ rơi vào khoảng 1.151 – 1.170 điểm", VDSC nhận định.
Còn CTCK BIDV (BSC) dự báo quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết năm 2018 tăng lên 150-160 tỷ USD, đưa mức vốn hóa thị trường lên 73-75% GDP nhờ làn sóng cổ phần phần hóa, niêm yết mới và thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh trong 2018. Thanh khoản bình quân dự báo đạt 272 triệu USD/phiên, tăng 25% so với giá trị năm 2017.
Không chỉ Việt Nam, mà tình hình chung của TTCK Đông Nam Á hiện đã mất sức nóng và lao dốc. Chỉ số MSCI Asean giảm 0,5% trong tháng 4, đang trên đà tiến đến đợt giảm hàng tháng lần thứ ba và cũng là đợt lao dốc dài nhất từ tháng 11/2016.
Nhà quản lý danh mục đầu tư Alan Richardson tại Samsung Asset Management cho hay, sự sụt giảm của TTCK Đông Nam Á được “thúc đẩy bởi các thị trường vốn và dòng vốn” và không ảnh hưởng đến các nguyên tắc tăng trưởng cơ bản. Ngoài ra, ông Richardson cũng cho biết, TTCK Việt Nam đã đạt đỉnh, khi chỉ số VN-Index tăng lên mức kỷ lục hôm 9/4 và giảm 13% kể từ lúc đó.
TTCK Indonesia và Thái Lan cũng đối mặt với tình trạng các nhà đầu tư rút vốn vì mối lo chính trị, kinh tế trong nước. Tuy nhiên, cổ phiếu của hai nước này vẫn còn đắt đỏ hơn nhiều nước châu Á khác.
Trước đó, TTCK Đông Nam Á đã tăng từ mức thấp năm 2016, đẩy định giá lên mức cao nhất từ năm 2009 trước khi lo ngại về lạm phát và lãi suất gây ra đợt bán tháo toàn cầu trong tháng 2 vừa qua.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, có hai lý do chính khiến TTCK Đông Nam Á sụt mạnh chỉ trong thời gian ngắn. Thứ nhất là áp lực chốt lời gia tăng khi nhiều cổ phiếu đã đạt ngưỡng hấp dẫn. Phần lớn những mã bị bán tháo trong hai tuần gần nhất, đều là những cổ phiếu đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm. Với mức lợi nhuận đủ cao, tâm lý của nhà đầu tư chuyển từ hy vọng sang tâm lý thận trọng muốn ghi nhận thành quả và bảo vệ phần lợi nhuận đạt được.
Thứ hai là dòng vốn bắt đầu có sự dịch chuyển để đón đầu các thương vụ IPO, chào bán cổ phần lớn. Danh mục của nhiều công ty chứng khoán và quỹ đầu tư đã tái cơ cấu theo hướng giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu để dành nguồn lực cho những thương vụ hấp dẫn hơn.
Đà bán tháo đưa mặt bằng giá của thị trường trở lại mức hấp dẫn, tuy nhiên vẫn còn những rủi ro hiện hữu. Nhiều dự báo cho rằng thời gian hiện tại chỉ thích hợp với nhà đầu tư trung và dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, còn nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục quan sát thị trường và cân nhắc việc đầu tư.
Bên cạnh đó, thời điểm tháng 5 không phải là giai đoạn các nhà đầu tư có xu hướng mua vào . Thị trường chứng khoán Mỹ có câu nói "Sell in May" để chỉ về việc hãy bán cổ phiếu vào tháng 5.
Câu nói “Sell in May and go away” – Bán tháng 5 và đi chơi – được bắt nguồn từ phiên bản đầy đủ “Sell in May and go away, stay away till St. Leger Day”, ám chỉ chờ đến thời điểm cuộc đua ngựa cuối cùng tổ chức vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 ở Anh. Trên thị trường chứng khoán, đây là câu nói dùng để chỉ niềm tin về tính chu kỳ của thị trường. Cụ thể, người ta thường cho rằng TTCK có mức sinh lợi rất thấp trong giai đoạn từ tháng 05 – 10, và có mức sinh lợi cao trong giai đoạn tháng 11 – 04 hàng năm.
Mặc dù điều này không phải khi nào cũng đúng và thị trường nào cũng có hiện tượng này, nhưng giới đầu tư chứng khoán có khuynh hướng bán chứng khoán, duy trì tỷ lệ tiền mặt cao khi bước vào tháng 5 hàng năm và chỉ mua mạnh trở lại kể từ tháng 10 trở đi.