Nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư toàn cầu và trong nước đã mở ra khi thị trường dược và y tế Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thông tin này được trích dẫn từ kết quả do BMI Research thực hiện và công bố mới đây.
Khuyến khích liên doanh đầu tư
Cũng theo báo cáo này, thị trường dược phẩm Việt Nam được dự báo có tốc độc tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 10,5% (± 2,7%) từ năm 2017 đến năm 2022, đạt 155.586 tỉ đồng vào năm 2022. Nhu cầu về thuốc sẽ tiếp tục tăng, nhờ sự gia tăng bảo hiểm y tế và nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận thuốc.
Một thông tin tích cực được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận đó là hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các công ty liên doanh. Theo nhận định của giới đầu tư, đây là điều có lợi cho các công ty trong nước vì cho phép chuyển giao hoặc mua lại công nghệ tiên tiến, cũng như nâng cấp cơ sở theo các tiêu chuẩn EU, US GMP, và GLP.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, các công ty liên doanh sẽ cung cấp tuyến phân phối trực tiếp đến bệnh viện và thị trường dược phẩm.
Ngoài ra, thị trường dịch vụ y tế cũng đang ghi nhận sự tốc độ gia nhập thị trường của khu vực tư nhân một cách nhanh chóng nhờ thu nhập tăng cao và người dân có nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ y tế tốt hơn. Theo đó, ngày càng nhiều bệnh nhân Việt Nam đủ khả năng tự chi trả cho việc điều trị theo hướng tân tiến, chính vì vậy, số lượng các cơ sở y tế tư nhân đang tăng thông qua việc mở rộng các nhóm bệnh viện tư nhân. Đây cũng chính là “cái cớ”, để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Cuối cùng cũng phải nói đến sự sôi động của chính bản thân nội tại lĩnh vực này. Điều này được hiểu là các công ty trong nước mạnh hơn, đã niêm yết sẽ tìm cơ hội mua các công ty nhỏ hơn, chưa niêm yết, sử dụng các thương vụ M & A để mở rộng mạng lưới phân phối và tích hợp các hoạt động của họ theo chiều dọc.
Ngoài ra, một số nhà sản xuất trong nước cũng tích cực mở rộng về mặt địa lý, hợp tác với các công ty thương mại của tỉnh nhằm nỗ lực đạt được các vị trí thuận lợi hơn trong thị trường đấu thầu bệnh viện công.
Rào cản từ quy định pháp lý
Chính những diễn biến tích cực của thị trường, tín liệu lạc quan từ báo cáo của BMI Research đã mở ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn quốc tế và cũng chính các nhà đầu tư nội. Tuy nhiên, bức tranh thị trường dược phẩm và y tế sẽ trọn vẹn hơn nếu “bài toán” thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế còn nhiều khó khăn, bất cập được tháo gỡ.
Còn nhớ, trong một hội thảo cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng đã từng chỉ ra, nguyên nhân khiến cho khu vực tư nhân chưa tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế thông qua mô hình hợp tác công-tư (PPP) đó là thiếu quy định pháp lý cụ thể.
Cụ thể, các quy định về tự chủ chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực làm công tác PPP hiện còn thiếu chuyên gia và cán bộ có kinh nghiệm.
Theo đó, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực y tế thông qua mô hình PPP mới chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, đầu tư bệnh viện, trong khi các mô hình hợp tác trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế cơ sở còn nhiều khó khăn.
Cũng có chung quan điểm, để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực y tế nói chung, đặc biệt là thiết bị y tế nói riêng là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo Nhóm công tác này, việc thiếu những quy chế nhất quán rõ ràng giữa các Bộ, cũng như các giải pháp lâu dài và vững bền, liên quan tới mô hình đặt máy tại các bệnh viện, sẽ gây ra những thách thức nhất định.
Theo đó, vấn đề này liên quan tới không chỉ việc đặt các máy móc mới mà còn cả việc quản lý các máy đã được lắp đặt. Để giải quyết vấn đề này, Tiểu ban Trang thiết bị Y tế và Chẩn đoán kính đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình PPP trong lĩnh vực Y tế, ban hành và phổ biến các hướng dẫn rõ ràng về vấn đề đặt máy ở các bệnh viện.