Tập trung vào mảng đồ ăn, hoàn thiện thêm mảng xe máy có thể là những "cửa sáng" cho GoJek Việt Nam trong cuộc chiến gọi xe qua app.
Mới đây, GoViet thông báo sẽ đổi tên thành GoJek Việt Nam và bổ nhiệm tân CEO Phùng Tuấn Đức. Động thái của GoViet gây sự chú ý lớn bởi thị trường gọi xe qua app vốn được quan tâm và cạnh tranh gay gắt trong thời gian gần đây.
Theo Nikkei, vào thời điểm GoJek tấn công thị trường Việt Nam năm 2018 với cái tên GoViet, ông Nadiem Makarim – nhà sáng lập Gojek, hiện là Bộ trưởng giáo dục Indonesia, cho biết muốn địa phương hóa thương hiệu để "xác định được bản sắc riêng".
Tuy nhiên, việc tiếp cận này gây ra sự tương tác thấp giữa các nền tảng của GoJek. Cụ thể, người dùng phải tải ứng dụng riêng khi du lịch hoặc công tác ở những quốc gia khác khi sử dụng Gojek (ở Việt Nam là GoViet, ở Thái Lan là Get). Do đó, việc hợp nhất thương hiệu và công nghệ lần này của Gojek được cho là sẽ mang lại hiệu quả mới.
Ông Hoàng Tùng, CEO Pizza Home, vốn là khách hàng của GoBike, GoSend, GoFood và là đối tác của GoFood, đã chia sẻ những nhận định của ông về thị trường, về GoViet và các chiến lược mà theo ông, sẽ là con đường sáng cho GoViet trong thời gian tới.
Ông Hoàng Tùng chia thị trường gọi xe thành 3 mảng: App gọi xe (ô tô/xe máy), app gọi đồ ăn và app chuyển đồ. Theo ông Hoàng Tùng, từng mảng đã xác định được vị trí quán quân và á quân. Cụ thể:
Mảng gọi xe: Top 1 là Grab và top 2 là BE. Theo ông Hoàng Tùng, mảng này, GoJek Việt Nam không có nhiều cửa vì chỉ có dịch vụ gọi xe máy. Người dùng, cả ô tô và xe máy, thời gian đầu "cứ brand nào có khuyến mại thì dùng" nhưng một thời gian sau sẽ trở về với 1-2 app trung thành.
Trong mảng này, ông Hoàng Tùng đánh giá cao Grab với gói thành viên, trói chặt người dùng thành khách hàng thân thiết. "Tôi nghĩ BE và GoJek Việt Nam nên triển khai hình thức này để níu giữ khách hàng hiện tại", ông Tùng nói.
Theo ông, như GoJek Việt Nam, khi không có mảng ô tô nhiều khi lại là cơ hội khi chỉ tập trung vào xe máy. "Tôi từng có vài trải nghiệm đi Grab và BE với xe cũ. Nếu GoJek Việt Nam chơi dòng xe máy ngon trở lên, thu hẳn phí cao hơn thì sẽ có một tệp khách hàng có thể khó tính hơn nhưng sẽ trung thành hơn với dịch vụ (giống như UberX ngày xưa)", ông Tùng nói.
Mảng app gọi đồ ăn: Theo ông Hoàng Tùng, top 1 là Grab và top 2 là Now.
Now có lợi thế là tệp khách hàng trung thành có từ lâu. Grab dùng tiềm lực tài chính phủ mạnh khiến cho người người giờ bắt đầu có thói quen gọi đồ ăn qua Grab. GoViet và Beamin triển khai sau. Theo ông Tùng, GoViet và Beamin có những điểm sau chưa bằng Grab hay Now.
Thứ nhất, phần mềm quản lý: Grab chuyển đổi đối tác thành gian hàng yêu thích và việc giao dịch giữa khách hàng và nhà hàng là hoàn toàn tự động, giúp cho việc đối soát và thanh toán tốt hơn. Đồng thời, hạn chế được việc gian dối từ shipper.
Thứ hai, Grab không dùng tiền mặt đối với đối tác nhà hàng. Now có dùng nhưng có phần mềm đối soát.
Hai điểm trên GoViet và Beamin chưa làm được.
Theo ông Hoàng Tùng, việc dùng tiền mặt và kiểm soát qua app thực ra sẽ giúp cho chính GoViet đỡ thất thoát. Đã có nhiều nhà bán hàng/khách hàng nhắc đến trường hợp shipper đến một quán chụp cửa quán rồi đi ra, mua đồ chỗ khác rẻ hơn để giao cho khách. Việc kiểm soát và không dùng tiền mặt sẽ giúp giảm thiểu hạn chế này.
Mảng chuyển đồ: Ông Tùng cho biết, ông dùng chủ yếu là Grab và AhaMove. AhaMove tồn tại rất lâu và rất tập trung cho mảng này. Còn Grab thì tung khuyến mại khủng. Thỉnh thoảng ông có dùng GoViet và BE nhưng không nhiều.
"Tôi nghĩ rằng trong môi trường Internet, bạn là top 1- top 2 hoặc không là gì cả", ông Tùng nhận định.
Ông nghĩ rằng không có nhiều cửa cho FastGo hay Loship. Và cũng hiếm cửa cho GoJek Việt Nam nếu không làm những việc sau:
Đặc biệt đối tác nhà hàng, quán ăn là bên sẵn sàng chi nhiều tiền và dễ có đơn hàng giúp cho GoJek Việt Nam có dòng tiền tốt hơn. Đây cũng là bước tiến để có thể mở ra mảng siêu thị với các mặt hàng thực phẩm, nông sản, quà tặng đang phát triển rất mạnh sau đồ ăn.