Trong bối cảnh dòng tiền gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp sử dụng phương án phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công với phương án này.
>>>Thách thức phát hành cổ phiếu tăng vốn ở NBB
Mới đây, Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là nội dung Tờ trình cổ đông về việc tạm dừng triển khai phương án phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu năm 2022.
Lý do việc tạm dừng phát hành cổ phiếu được lãnh đạo GMD đưa ra là do điều kiện thị trường chưa thuận lợi để tiếp tục thực hiện phương án. Đồng thời, trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2022, cộng với việc hoàn thành chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ, công ty đảm bảo được dòng tiền và nguồn vốn để triển khai các dự án và kế hoạch kinh doanh năm nay.
Bên cạnh đó, GMD cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại kế hoạch, phương án sử dụng nguồn vốn để đảm bảo nhu cầu thực tế của công ty và trình lại ĐHĐCĐ xem xét thông qua phương án mới nếu điều kiện thị trường thuận lợi, phù hợp với nhu cầu vốn sau điều chỉnh.
Được biết, theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, GMD sẽ chào bán gần 100,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 20.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền dự kiến huy động được từ đợt phát hành cổ phiếu này là 2.009 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được GMD dùng để tăng vốn cho các công ty con gồm Công ty CP Cảng Nam Hải Đình Vũ, Công ty CP Cảng Cái mép Gemadept – Terminal Link và đầu tư mua sắm tài sản cố định.
GMD cũng đã nộp hồ sơ đăng ký phát hành lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và đã nhiều lần bổ sung sửa đổi hồ sơ. Tuy nhiên, đến tháng 1/2023, UBCKNN thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký phát hành của doanh nghiệp vì lý do thủ tục, giấy tờ.
Trước đó, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Corp (HoSE: DIG) cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo thông báo của UBCKNN.
Phương án phát hành cổ phiếu này được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, với giá chào bán ban đầu là 30.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, DIC Corp điều chỉnh giảm giá phát hành xuống 20.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời tăng khối lượng phát hành lên 150 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 2 năm 2022, DIC Corp một lần nữa điều chỉnh giá phát hành cổ phiếu xuống còn 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm 50% so với giá dự kiến chào bán ban đầu. Phương án này cũng đã được cổ đông công ty thông qua.
Toàn bộ số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành này là 1.500 tỷ đồng, sẽ được DIC Corp sử dụng để đầu tư vào dự án Khu đô thị Du lịch Tân Long, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 780 tỷ đồng, tiền sử dụng đất 200 tỷ đồng, chi phí tư vấn 50 tỷ đồng, chi phí xây lắp 250 tỷ đồng và trả lãi trái phiếu là 220 tỷ đồng.
Như vậy, sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, hạ giá chào bán chổ phiếu đến 50% nhưng vẫn không thể thực hiện, DIC Corp cũng đã phải quyết định dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu này.
>>>PET xoay xở trả nợ, phát hành cổ phiếu tăng vốn có hấp dẫn?
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) cũng đã có báo cáo kết quả của đợt chào bán 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền dự kiến huy động được là gần 1.700 tỷ đồng, HAG dự kiến sẽ dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã không hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ này theo đúng thời gian quy định, do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, khiến các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối mua.
Do cổ phiếu chào bán bị "ế", HAG đã phải thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn từ đợt chào bán này bằng cách sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai để đảm bảo thực hiện kế hoạch đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, HAG cũng sẽ sử dụng nguồn tiền từ việc thu nợ nhóm Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu cho trái chủ trong thời gian quy định.
Ngoài ra, HAG cũng muốn phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 7.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá cổ phiếu trên thị trường. Mặc dù thay đổi hình thức phát hành cổ phiếu, nhưng mục đích chung là HAG vẫn đang nỗ lực thu hút dòng tiền để bù đắp cho sự thiếu hụt vốn.
Với việc hàng loạt doanh nghiệp phải thông báo dừng hoặc tạm dừng phương án chào bán thêm cổ phiếu để huy động vốn cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực xoay xở thu hút dòng tiền cho kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh và trả nợ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công với kế hoạch huy động vốn của mình, trong bối cảnh dòng tiền ngoài thị trường ngày càng cạn dần.
Theo quy định, các kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu hay trái phiếu của DNNY đều phải được ĐHĐCĐ thông qua. Tuy nhiên, việc ĐHĐCĐ thông qua cũng không đủ đảm bảo cho kế hoạch được triển khai thành công trong giai đoạn hiện nay; Đặc biệt là giai đoạn “tiền rẻ” đã đi qua.
“Trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng tín dụng của cùng kỳ. Nguồn tiền trên thị trường đã không còn dồi dào như trước do tốc độ quay vòng vốn chậm. Nhà đầu tư cũng đã thận trọng hơn khi thị trường tài chính chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Do đó, quá trình huy động vốn của các doanh nghiệp cũng không còn được suôn sẻ”, một chuyên gia chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đó là những khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, khi dòng tiền yếu thì việc các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn cũng là điều dễ hiểu. Còn đối với các doanh nghiệp dừng phát hành cổ phiếu, chủ yếu là do thị trường chứng khoán giảm, giá cổ phiếu xuống thấp hơn giá chào bán kỳ vọng. Nếu thực hiện phát hành thành công, cổ phiếu sẽ bị pha loãng đẩy giá cổ phiếu xuống sâu hơn. Hay như trường hợp của GMD, doanh nghiệp dừng phát hành vì thu xếp được nguồn tiền khác (dựa vào kế hoạch bán cảng Nam Hải Đình Vũ)...
"Mặc dù hiện nay, dòng tiền trên thị trường chứng khoán không còn mạnh như thời cao điểm (có phiên thanh khoản của thị trường đạt trên 30.000 tỷ đồng), nhưng khi lãi suất bắt đầu giảm, thanh khoản trên thị trường đang có dấu hiệu cải thiện hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường", vị chuyên gia này nhận định thêm.
Theo đánh giá của Chứng khoán VNDirect, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,6% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng mở rộng trong tháng 3 khi lãi suất huy động giảm nhưng thị trường chứng khoán vẫn nằm trong xu hướng đi ngang. Việc này đồng nghĩa kênh đầu tư chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.
"Chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thị trường giảm là tín hiệu đầu tiên cho sự dịch chuyển của thị trường chứng khoán từ suy thoái sang phục hồi. Nhìn lại quá khứ, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tích cực sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành", VNDirect nhấn mạnh.
Theo đó, các doanh nghiệp vẫn có kỳ vọng trở lại với các phương án huy động trên thị trường vốn.
Có thể bạn quan tâm
Thách thức phát hành cổ phiếu tăng vốn ở NBB
04:55, 12/05/2023
PET xoay xở trả nợ, phát hành cổ phiếu tăng vốn có hấp dẫn?
03:07, 08/10/2022
OCB triển khai việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu
17:33, 30/09/2022
JVC làm ăn ra sao khi dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư?
05:25, 13/07/2022
Masan Group tăng cổ tức tiền mặt 2021 thêm 20%, dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 5:1
10:00, 03/12/2021