Nếu như 2017 là năm của Thái Lan thì 2018 - 2019 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn.
Theo Báo cáo M&A thị trường Việt Nam năm 2018 - 2019 do Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) thực hiện, trong Top 10 thương vụ M&A có quy mô lớn nhất thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đóng vai trò chủ đạo, áp đảo.
Điển hình nhất là SK Group. Tháng 3/2019, SK Group đã chi 1 tỷ USD mua 6,1% cổ phần của Tập đoàn Vingroup. Trước đó, tháng 9/2018, SK đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan.
Mới đây, SK bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Năm ngoái, tập đoàn này đã mua 3,55 triệu cổ phần, tương đương 5% cổ phần, trở thành cổ đông lớn của PVOIL.
Không chỉ với riêng PVOIL, ông Chey Tae Won, Chủ tịch SK đã nhiều lần khẳng định mối quan tâm của Tập đoàn đến việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. SK còn mong muốn nghiên cứu, lựa chọn tham gia tái cấu trúc đưa một công ty trở thành công ty mẹ, từ đó tạo ra các chuỗi công ty tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2018, Vingroup đã chào bán lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 400 triệu USD cho một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Hanwha. Như vậy, chỉ riêng các thương vụ giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc với Vingroup đã lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 - 7/2019.
Chưa hết, đầu năm 2019, Shinhan Card đã mua lại toàn bộ Công ty Tài chính Prudential Việt Nam, với giá trị ước tính 151 triệu USD. Hay như trường hợp Samsung SDS đã cam kết mua 25% cổ phần của CMC, trong khi Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Samsung đang đàm phán với Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt để mua một phần cổ phiếu…
Với đây nhất vào ngày 22/7, thị trường chứng kiến thuơng vụ KEB HANA Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần ngân hàng BIDV. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Theo Hiệp hội Tài chính Hàn Quốc (KOFIA), tính đến tháng 5/2019, các quỹ tài chính của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 3,5 tỷ USD, gấp 13 lần so với 4 năm trước đó.
Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, xu hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang được chuyển dịch đa ngành nghề, chứ không chỉ tập trung vào may mặc, sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 22/07/2019
06:00, 16/07/2019
00:00, 09/07/2019
15:07, 04/07/2019
Còn theo ông Michael Dc Choi, Phó tổng Giám đốc KOTRA Hà Nội, Trung tâm M&A toàn cầu KOTRA (Hàn Quốc) tiết lộ, hiện có 5 ngân hàng thương mại khác ở Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến việc mua cổ phần các ngân hàng nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Ông Michael Dc Choi cũng cho biết, các thương vụ M&A Hàn Quốc - Việt Nam sẽ ngày càng tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch bởi 2 lý do:
Thứ nhất, nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng, các công ty Hàn Quốc có hiện tượng dư thừa tiền mặt và việc đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt qua hình thức M&A là lựa chọn số 1.
Thứ hai, Chính phủ Hàn Quốc bên cạnh việc tập trung vào các tập đoàn lớn thực hiện các thương vụ M&A ra nước ngoài, giờ đây lại đang dồn sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với số vốn hàng ngàn tỷ USD.
Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư STIC Investment của Hàn Quốc, ông Daniel Lee, tiết lộ, Việt Nam và các nước châu Á khác hiện chiếm 19% danh mục đầu tư của quỹ. STIC Investment đang nhắm đến 3 công ty, trong đó có 2 công ty của Việt Nam.
Trong thời gian qua, quỹ đầu tư này đã đầu tư vào các công ty như: Tiki, Cammsys Việt Nam, Công ty Thủy sản Việt Úc, Công nghệ sinh học Dược Nanogen và Hoa Sen Group…
Không chỉ M&A, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng được coi là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam, với số vốn không ngừng tăng lên hàng năm.
Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6-6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn.
Giới chuyên gia đánh giá, hàng loạt những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.
Song để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư – kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.