Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, thị trường M&A Việt Nam chững lại trong năm 2022, các bên tham gia có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn do những lo ngại về địa chính trị cùng nguy cao về lạm phát.
>>>M&A bất động sản khát dự án “sạch”
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ, sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, thị trường M&A Việt Nam chững lại trong năm 2022.
Theo đó, các bên tham gia giao dịch M&A có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, một phần là do những lo ngại về địa chính trị trên toàn cầu cùng nguy cơ về lạm phát cao gây ảnh hưởng đến các giao dịch xuyên quốc gia.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, các hoạt động M&A có chiều hướng đi xuống và về cơ bản đã quay về mức trước đại dịch. Các nhà đầu tư trong năm nay thường là nhà đầu tư chiến lược nhiều hơn đầu tư tài chính, có xu hướng cẩn trọng hơn trong việc tìm kiếm những giao dịch và tài sản mang lại nhiều giá trị cộng hưởng về mặt chiến lược cao hơn bên cạnh lợi nhuận.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị giao dịch M&A đạt mức 5,7 tỷ USD, giảm khoảng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng giao dịch giảm xuống mức dưới 350 giao dịch, tương đương mức giảm 50% so với mốc gần 700 giao dịch của năm 2021.
“Các nhà đầu tư hiện lo ngại về những xu hướng địa chính trị toàn cầu tác động đến nền kinh tế Việt Nam, từ đó dẫn đến sự sụt giảm về tổng giá trị giao dịch và cả quy mô giao dịch bình quân”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ.
Quy mô giao dịch bình quân đối với một giao dịch có giá trị được công bố đã giảm từ mốc 31,1 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 16,5 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022. Số lượng megadeals (giao dịch có giá trị vượt quá 100 triệu USD) được ký kết trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm khoảng một nửa xuống còn 13 thương vụ so với 22 thương vụ trong cùng kỳ năm trước.
>>>Xu hướng mới nào sẽ thúc đẩy thị trường M&A?
>>>Khối ngoại thận trọng M&A bất động sản
Đáng lưu ý, khảo sát mới đây của KPMG cho thấy, thời gian qua, thị trường liên tục chứng kiến xu hướng chuyển dịch dòng vốn M&A từ các nhà đầu tư ngoại sang các nhà đầu tư nội.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư trong nước thống trị thị trường M&A, một phần do giao dịch xuyên quốc gia chậm lại vì đại dịch kéo dài và những lo ngại về địa chính trị ngày càng tăng.
Trước đó, trong các giai đoạn trước, hoạt động M&A chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện (đặc biệt là từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...), nhưng từ năm 2020, các công ty trong nước ngày càng tích cực hơn. Nhà đầu tư trong nước đã bắt kịp tốc độ, chiếm lĩnh thị trường M&A khi họ cần kênh huy động vốn để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và cải cách mô hình kinh doanh. Điều này thể hiện qua việc mở rộng tỷ trọng trong giá trị thương vụ so với nhà đầu tư nước ngoài.
"Sau những nhà đầu tư trong nước, những nhà đầu tư đến từ Singapore, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha là những bên mua hoạt động tích cực nhất trong năm nay", ông Warrick Cleine cho biết.
Theo đó, tuy giảm về lượng, song hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại lại tăng về chất. Khối ngoại, tiêu biểu là các nhà đầu tư Singapore, Mỹ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (trong nhóm 5 nhà đầu tư hàng đầu thị trường), vẫn đóng góp đến hơn 40% tổng giá trị thương vụ trong năm 2022.
"Ba lĩnh vực M&A hấp dẫn nhất năm 2022 gồm bất động sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng", ông Warrick Cleine cho biết.
Theo đó, thị trường đã chứng kiến một số giao dịch đáng chú ý từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào năm 2022. Giao dịch lớn nhất (trị giá 523,4 triệu USD) đến từ một trong những công ty hàng đầu của ngành bất động sản mua lại Capital Place - cao ốc văn phòng hạng A nằm ở trung tâm của Hà Nội.
Cũng trong lĩnh vực bất động sản, Novaland đã nhận được một khoản đầu tư 250 triệu USD từ Warburg Pincus - một quỹ đầu tư tư nhân quốc tế.
Mới đây, trong lĩnh vực năng lượng - tiện ích, EDP Renovaveis, S.A. (EDPR) - nhà cung cấp năng lượng tái tạo nổi tiếng có trụ sở chính tại Madrid, Tây Ban Nha, đã ký kết với Tập đoàn Xuân Thiện để mua hai dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất 200MW với giá 284 triệu USD.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, Công ty TNHH Sherpa - trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, đã mua lại 65% vốn của Công ty cổ phần Phúc Long Heritage với giá 260,6 triệu USD.
Trong cùng lĩnh vực, Seletar Investments, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle từ Singapore đã mua lại 36% cổ phần của Golden Gate với trị giá khoảng 234 triệu USD. Đáng chú ý, Seatown là quỹ đầu tư của Seatown Holdings tại Singapore - một thành viên của Temasek.
Trong khi lĩnh vực bất động sản thu được lợi ích từ nhu cầu liên tục ở mức cao đối với bất động sản văn phòng và bất động sản công nghiệp, thì ngành hàng tiêu dùng chứng kiến sự phục hồi về niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch.
Với sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm hơn sau khi phục hồi nhanh chóng từ sau đại dịch Covid, trong đó mức tăng trưởng GDP năm 2022dự kiến là khoảng 8%.
Có thể bạn quan tâm
20:00, 20/11/2022
04:25, 13/11/2022
14:25, 10/11/2022
15:00, 19/09/2022