Thị trường xe tải năm 2018 tiếp tục chìm trong khó khăn, nhu cầu tiêu thụ ngày càng giảm, doanh nghiệp kinh doanh xe tải “ế” nặng.
Báo cáo tài chính Công ty cổ phần Ô tô TMT quý 3/2018 cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần của TMT đạt 843 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2017 và mới hoàn thành được 27% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,1 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và cũng chỉ hoàn thành 28% kế hoạch năm. Trong khi đó, theo kế hoạch kinh doanh đặt ra tại ĐHCĐ thường niên 2018 của TMT thì doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 3.076 tỷ đồng và 29,6 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân kinh doanh không hiệu quả trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018 do thị trường xe ô tô thương mại vẫn chưa khởi sắc, sức mua rất chậm, tâm lý người tiêu dùng chờ đợi giảm giá trong khi trên thực tế giá xe ô tô lại có xu hướng tăng.
Lượng hàng tồn kho đến cuối kỳ còn 1.135 tỷ đồng, chủ yếu giảm giá trị hàng gửi đi bán và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Sau 9 tháng, tổng tài sản giảm mạnh hơn 700 tỷ đồng, xuống còn 2.020 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9/2018. Tổng nợ phải trả 1.610 tỷ đồng, giảm được 675 tỷ đồng so với đầu năm.
Tình trạng hoạt động kinh doanh của TMT có dấu hiệu đi xuống không chỉ từ đầu năm 2018, mà đã diễn ra những năm trước đó đã khiến cho Công ty Chứng khoán ASEAN quyết định “cắt” khoản đầu tư vào TMT khi bán toàn bộ cổ phiếu TMT đang nắm giữ, chấp nhận lỗ 60% giá trị đầu tư vào ngày 3/8/2018.
Các công ty con trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải, cho thuê kho bãi… cũng đạt tỷ suất lợi nhuận thấp trong thời gian vừa qua.
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu xe tải giảm mạnh là do sau một thời gian siết chặt việc chở hàng quá tải đã lại dừng. Vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh vận tải thấy không cần đầu tư thêm xe mới. Việc các ngân hàng cũng siết chặt cho vay với khách hàng mua xe tải kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến cho doanh số bán giảm.
Từ tháng 4/2019, các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ phải thực hiện quy định mới tại Nghị định 116/2017 NĐ-CP. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có xe tải, phải có đường xe với chiều dài tối thiểu 800m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đây là quy định bắt buộc, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô khó đáp ứng.
Ngoài ra, Nghị định 116 đã được ban hành vào ngày 1/1/2018 bắt buộc những dòng xe phải có giấy chứng nhận xuất xưởng, giấy an toàn kỹ thuật và đặc biệt là giấy bảo vệ môi trường, nhưng điều bất cập ở đây chính là những giấy tờ ánh chỉ được ban hành tại Việt Nam mà các nước sản xuất ô tô như Anh, Nhật, Thái Lan lại không có những giấy chứng nhận loại này, do đó trong 8 tháng đầu năm nay các loại xe nhập khẩu sẽ tạm ngưng nhập khẩu về Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hết hàng của các loại xe tải nhập khẩu trong nước.