Thiếu giáo viên là vấn đề nóng, được nhiều đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận, chất vấn ở Quốc hội mấy ngày qua.
>>Đừng xem nhẹ chuyện lương giáo viên
Theo đó, trên nghị trường nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lẫn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của ngành.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm. Nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng vị trí.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm Bộ không có thẩm quyền. Bộ chỉ có đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng cho rằng đây là vấn đề lẽ ra Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động nắm từ trước. “Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quyết định vấn đề giáo viên, nhưng với trách nhiệm của mình, Bộ cần chủ động kết nối chặt chẽ với các địa phương để rà soát, cập nhật số liệu, từ đó nắm được cụ thể về việc thừa, thiếu ở môn học nào, cấp học nào và có bộ phận phân tích để dựa vào đó tham mưu, đề xuất, phối hợp với các địa phương giải quyết hiệu quả việc này.
Theo tính toán của ngành giáo dục, tổng số giáo viên còn thiếu từ nay đến năm 2026 là 107.000, trong đó chỉ tiêu đã được duyệt là hơn 65.000. Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tinh giản biên chế, các cơ quan Trung ương đã dành cho ngành giáo dục số biên chế nói trên là “ưu ái vượt bậc”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ngành sư phạm. Hai năm qua, số sinh viên sư phạm tăng lên đáng kể. Nội dung liên quan đến quy định địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên cũng đang được rà soát, hoàn thiện.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn đang diễn ra “nóng” ở đây là, các địa phương luôn kêu ca là thiếu giáo viên, không tuyển được người trong khi hàng chục ngàn sinh viên sư phạm không xin được việc. Tính sơ sơ, cả nước có rất nhiều trường đào tạo sư phạm, mỗi năm cho ra trường không biết bao nhiêu sinh viên và con số không xin được việc làm đúng ngành nghề khá nhiều sau khi ra trường.
>>Sách giáo khoa, chương trình mới và giáo viên cốt cán
>>Vẫn loay hoay bài toán thiếu giáo viên
>>Nhiều trường mầm non tư thục “chật vật” tìm giáo viên
Cứ nhìn vào thực tế việc làm của các sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, sẽ không khó để hình dung cảnh ngành giáo dục rất khó tuyển sinh được nhiều người giỏi, tuyển dụng được nhiều người tài để bổ sung vào đội ngũ giáo viên cho ngành trong tương lai.
Chiều ngược lại, có nhiều trường hợp giáo viên đeo đuổi làm theo hợp đồng, chờ đợi nhiều năm để mong được tuyển dụng biên chế chính thức. Cũng như nhiều trường hợp sau nhiều năm trong nghề, một số giáo viên bỏ nghề để tìm việc khác dẫn đến tình trạng ngược: Từ việc gian nan phấn đấu xin được tuyển dụng biên chế làm giáo viên, nay lại xin bỏ nghề. Điều này khiến cho ngành giáo dục bị thiếu giáo viên trầm trọng về số lượng.
Thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải tìm câu trả lời cho câu hỏi: Có tồn tại song song 2 hiện tượng: ngành giáo dục thiếu giáo viên, nhưng sinh viên tốt nghiệp sư phạm “ế việc”?
Cụ thể: Thiếu do không có nguồn để tuyển, hay có nguồn nhưng họ không chịu vào? Thiếu do nhiều giáo viên xin bỏ việc hay thiếu do không có chỉ tiêu tuyển dụng, do tinh giản biên chế một cách cơ học?
Dĩ nhiên, những câu hỏi này cần được khảo sát làm rõ mới có thể hiểu cặn kẽ nguyên nhân làm nảy sinh vấn đề. Có điều cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề ‘sinh viên sư phạm ế việc nhưng tình trạng thừa cục bộ giáo viên nhiều ở địa phương’ vẫn phổ biến là do công tác quy hoạch, dự báo ở các địa phương hạn chế, thiếu chủ động trong xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên.
Dù biết, có những vấn đề ngành giáo dục không làm một mình được, mà cần một sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ, nhưng bản thân Bộ Giáo dục cần phải chủ động hơn trong mọi vấn đề liên quan của ngành.
Trong đó, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải là thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm để trở thành giáo viên. Muốn như vậy, phải cải thiện chế độ ưu tiên lương bổng cho giáo viên.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 17/10/2022
04:00, 15/10/2022
04:00, 05/09/2022
01:00, 18/04/2022
22:27, 17/01/2022