“Không thể dự báo được dòng lũ, thiếu số liệu khảo sát kỹ thuật, đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu... chính là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập thuỷ điện tại Việt Nam”.
GS. TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi với DĐDN. Điểm tương đồng giữa sự cố vỡ đập mới đây tại Lào với những nguyên nhân vừa chỉ ra đó là cùng do thiếu số liệu khảo sát kỹ thuật trước khi triển khai thuỷ điện và dự báo dòng lũ thấp hơn lũ thực tế.
- Ông có thể phân tích rõ hơn những nguyên nhân vừa nêu?
Việt Nam đã từng có dự định sẽ thuỷ điện hoá toàn quốc trong vòng 10 năm, may mắn là điều này chưa thành hiện thực.
Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có lợi thế điều kiện tự nhiên với địa hình đa dạng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa lớn và mạng lưới sông ngòi dày đặc... Đây là những điều kiện phù hợp để phát triển thuỷ điện. Tuy nhiên, cũng chính lợi thế này vô tình trở thành điểm yếu, khi lượng mưa lớn cộng với đặc điểm mạng lưới sông ngòi ngắn, dốc... sẽ khó dự báo được dòng nước vào, dòng nước ra để đưa ra cảnh báo.
Về nguyên tắc thiết kế, công trình phải chọn dòng chảy chính, tiến hành thu thập dữ liệu, và sau đó mới triển khai xây dựng thuỷ điện. Với những dự án thuỷ điện lớn như thuỷ điện Hoà Bình, thời gian nghiên cứu, thu thập, khảo sát số liệu lên tới hàng trăm năm. Đối với những thuỷ điện nhỏ, có công suất dưới 30 MW, mặc dù thời gian thu thập dữ liệu ít hơn song cũng cần ít nhất khoảng 20 năm. Tuy nhiên, do chiến lược phát triển thuỷ điện “nóng”, hoạt động khảo sát, đo đạc, thu thập dữ liệu trước khi triển khai thuỷ điện nhỏ tại Việt Nam dường như đã bị “đốt cháy giai đoạn”. Nơi nào có sông, suối là thuỷ điện mọc lên.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 27/07/2018
15:05, 26/07/2018
11:00, 26/07/2018
07:09, 26/07/2018
06:57, 26/07/2018
11:02, 25/07/2018
19:46, 24/07/2018
- Hiện nay, phần lớn các thuỷ điện nhỏ đã và đang được xây dựng bởi các chủ đầu tư tư nhân. Phải chăng quá trình xã hội hóa này cũng đang là tác nhân gây nên những rủi ro đối với đập thuỷ điện, thưa ông?
Bên cạnh yếu tố không thu thập dữ liệu một cách chi tiết, xây dựng các dự án thuỷ điện tại các vị trí hiểm trở thì việc xã hội hoá “quá đà” cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến nguy cơ vỡ đập thuỷ điện.
Và trong thực tế Việt Nam đã ghi nhận những sự cố như vậy xảy ra. Từ tháng 10/2012 – 6/2013 tại Tây Nguyên đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh Miền trung và Tây Nguyên, đó là thủy điện Đak Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ya Krel 2 (Gia Lai). Hay gần đây nhất là sự cố đường hầm dẫn dòng thi công tại đập thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ vào năm 2016.
Sự thành công hay thất bại của dự án thuỷ điện phụ thuộc phần lớn vào năng lực của nhà đầu tư. Hàng năm Chính phủ đều yêu cầu báo cáo về hiện trạng kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn thuỷ điện. Tuy nhiên, điều này sẽ khó phát huy hiệu quả nếu nhà đầu tư thiếu chuyên môn.
Mặc dù, Luật Thuỷ lợi 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã quy định, việc điều tiết các hồ chứa nước xả lũ phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể hoạt động này.
Ví dụ, nếu yêu cầu kỹ thuật đập thuỷ điện bê tông phải đủ cường độ 200kg/m3, tuy nhiên mới chỉ đạt 100kg/m3 dự án thuỷ điện đã cho trữ nước. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kỹ thuật thiết kế của đập thuỷ điện. Việc không đảm bảo thông số kỹ thuật lại một lần nữa tiềm ẩn rủi ro nguy cơ vỡ đập. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến dự án đập thủy điện Dăkrông 3 bị vỡ vào năm 2012.
- Cách đây vài năm, ông từng nói rằng, quy chuẩn quốc gia về thuỷ điện hiện vẫn nằm trên bàn soạn thảo và chưa có một cơ sở pháp luật nào quy định về sự an toàn cho các hồ chứa?
Quy chuẩn quốc gia về thuỷ điện sau nhiều năm đến nay vẫn chưa ra được và tôi tin người ra không chịu cho ra.
Bởi, nếu đã là hồ chứa của thuỷ điện phải tuân thủ nguyên tắc lợi dụng tổng thể. Nghĩa là nguồn nước đó không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thuỷ điện mà còn cho thuỷ lợi, dân sinh và giao thông vận tải. Nghĩa là, hồ chứa phải điều tiết được việc giảm lũ vào mùa mưa và cấp nước vào mùa khô.
Tuy nhiên, thuỷ điện nhỏ lấy yếu tố kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, hiện nay quy trình điều tiết nước đang bị “ngược”. Thay vì tích lũ tại thuỷ điện hạ nguồn, thì đang tích lũ ở thuỷ điện thượng nguồn. Điều này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn khi cùng một khối nước có thể sản xuất được 3 lần điện, từ thuỷ điện thượng nguồn, sau đó chảy xuống thuỷ điện trung và hạ nguồn.
Tuy nhiên, trong trường hợp với thuỷ điện nhỏ, điều này dẫn đến nguy cơ vỡ đập liên tục. Bởi thiết kế của thuỷ điện nhỏ không có điều kiện trữ lũ nên khi lũ về đập phải xả cấp tập. Điều đáng nói, nếu cả 3-4 thuỷ điện nhỏ cùng xả lũ một lúc, áp lực xả lũ xuống hạ lưu là rất lớn.
- Vậy, hoàn thiện lỗ hổng này như thế nào, thưa ông?
Cần triển khai một cuộc rà soát tổng thể các công trình thủy điện đang vận hành trên toàn quốc, thay vì chỉ rà soát các dự án chưa xây dựng như năm 2013.
Việc triển khai thực hiện rà soát này không nên giao cho cấp địa phương mà phải do trực tiếp Tổng Cục Phòng chống thiên tai kiểm tra. Với những dự án không đảm bảo được mức độ ổn định, ví dụ như dự án thuỷ điện Hố Hô trước đây, nên cho dừng.
Ngoài ra, điều đáng nói, mặc dù trong Luật Thuỷ lợi 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã quy định, việc điều tiết các hồ chứa nước xả lũ phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể hoạt động này. Cần có nghị định hướng dẫn về quy trình kiểm tra trước mùa lũ, trong lũ và sau lũ, nhằm đảm bảo việc phòng chống lũ và xả lũ theo quy trình thiết kế .
- Xin cám ơn ông!