Thảo luân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều nay (8/11), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều nội dung, điều, khoản trong quy định của dự thảo Luật còn thiếu tính triết lý giáo dục.
Góp ý vào dự thảo Luật, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều nội dung, điều, khoản trong quy định của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn thiếu tính triết lý giáo dục.
ĐB Nguyễn Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này lại chưa toát lên được triết lý giáo dục. Phải làm rõ được triết lý giáo dục mới tạo nền tảng vững chắc để cải cách giáo dục. Triết lý giáo dục sẽ chi phối 3 trụ cột cơ bản của Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm: mục tiêu, chính sách cơ bản; hệ thống giáo dục và đội ngũ nhà giáo.
Về đầu tư, tài chính trong giáo dục, đây là nội dung mới, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), đề nghị bỏ kinh phí đặt hàng giao nhiệm; làm rõ 20% chi ngân sách cho giáo dục dùng thực hiện nhiệm vụ cụ thể gì? Từ đó có các chính sách tài chính phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo và từng loại đầu tư. Đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách, quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước trong giáo dục và đào tạo một cách hiệu quả nhất.
Một thực tế bất cập hiện nay, là việc công nhận bằng tốt nghiệp phổ thông, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở khi vào học các trường nghề, trường trung cấp vừa phải học văn hóa, vừa học nghề nhưng khi ra trường xin việc, bằng nghề được công nhận là trung cấp nhưng không được công nhận là tốt nghiệp trung học phổ thông nên khó xin việc. ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), đề nghị bổ sung Điều 32: “Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trình độ trung cấp đã học hoàn thành khối lượng văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường Trung học phổ thông cấp giấy xác nhận hoàn thành khối lượng văn hóa trung hóa phổ thông và được công nhận tương đương về khối lượng văn hóa trung học phổ thông để học cao đẳng, học đại học.”
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, tuy nhiên ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), cho rằng: để đáp ứng yêu cầu đề ra thì còn khoảng cách khá xa. Luật Giáo dục sửa đổi là luật gốc, làm sao cho cấu trúc luật không bị vênh so với các luật chuyên ngành là bài toán khó, tới đây cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện dự thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.
Bên cạnh đó, ĐB Lê Thị Thu Hồng ( Bắc Giang) cho rằng việc bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn còn nặng về chuyên môn, tri thức sách vở thiếu những kỹ năng, tri thức sống, khả năng tương tác, bao quát, phối hợp giữa các môn học chưa nhịp nhàng, thiếu tri thức pháp luật, khả năng xử lý tình huống chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặc biệt trong giai đoạn 4.0 hiện nay. Đại biểu đề nghị trong quy định về bồi dưỡng đạt chuẩn nhà giáo ngoài trình độ chuyên môn cần có yêu cầu về đạo đức, nội dung bồi dưỡng cũng cần được mở rộng về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, cần có bộ quy tác đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của nhà giáo và người quản lý giáo dục.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về một số nội dung khác của dự thảo luật như: chính sách, trách nhiệm nhà nước đối với phổ cập giáo dục bắt buộc và phổ cập giáo dục; chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; chính sách lương đối với nhà giáo; đầu tư, tài chính và xã hội hóa giáo dục; mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao;…
Có thể bạn quan tâm