Thỏa thuận chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp

Diendandoanhnghiep.vn Ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng luôn là một vấn đề không thể thiếu cho dù đó là tố tụng dân sự tại Tòa án hay đó là tố tụng tại Trọng tài thương mại.

Tình tiết sự kiện: Công ty C (Israel - Nguyên đơn) ký hợp đồng công nghệ với Công ty E (Việt Nam - Bị đơn). Trong hợp đồng các bên chọn VIAC khi có tranh chấp và, tại Điều 15 của hợp đồng, các bên chọn ngôn ngữ trọng tài là tiếng Anh. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định “ngôn ngữ trọng tài trong vụ tranh chấp là tiếng Việt”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Điều 20 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, “tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt”. Như vậy, “về nguyên tắc, tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt”. Quy định này ràng buộc cơ quan tố tụng cũng như các đương sự tham gia tố tụng với một số hệ quả quan trọng sau:

Thứ nhất, “trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt mà họ sử dụng ngôn ngữ khác trong quá trình tố tụng thì phải có sự tham gia tố tụng của người phiên dịch để dịch ngôn ngữ đó ra tiếng Việt và ngược lại”. Cụ thể, ngay tại phiên hòa giải, cần có “người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt” (khoản 5 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004) và đến khi tuyên án thì “trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết” (Điều 239 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004).

Thứ hai, “đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp” (khoản 3 Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004). Với quy định này, “nếu đương sự chưa gửi kèm bản dịch tài liệu, chứng cứ đó sang tiếng Việt hoặc đã dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp thì Toà án không nhận tài liệu, chứng cứ đó” và nếu Tòa án chấp nhận những chứng cứ, tài liệu chưa được dịch sang tiếng Việt thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Khoản 2 Điều 10 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về ngôn ngữ quy định “đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận”. So với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng trường hợp theo đó các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Cụ thể, Luật đã bổ sung thêm trường hợp “tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Trong thực tế, không hiếm trường hợp Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC chấp nhận ngôn ngữ do các bên thỏa thuận khi tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong vụ việc trên, tranh chấp có yếu tố nước ngoài và các Bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài nên các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài. Thực tế, các bên đã thỏa thuận chọn ngôn ngữ trọng tài bằng tiếng Anh. Theo Hội đồng Trọng tài, “trong những văn thư giao dịch ban đầu, các Bên sử dụng tiếng Anh, Hội đồng Trọng tài cũng gửi các thông báo của mình cho các Bên bằng tiếng Anh”. Nhưng cuối cùng, Hội đồng Trọng tài lại sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Việt và đã ra Phán quyết trọng tài bằng tiếng Việt. Việc làm này có trái với ý chí chung của các bên không, có trái với các quy định trên hay không?

Thực ra, trong quá trình tố tụng, “ngày 18/11/2014, Nguyên đơn gửi Bị đơn Văn thư đề nghị sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ trọng tài. Bị đơn đã chấp nhận và như vậy hai bên thỏa thuận sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ trọng tài”. Ở đây, ban đầu các bên thỏa thuận chọn tiếng Anh nhưng sau đó đã thỏa thuận lại là sử dụng tiếng Việt và thỏa thuận lại này đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

Từ vụ việc trên, doanh nghiệp rút ra một số lưu ý sau: thứ nhất, các bên được quyền thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài (không được thỏa thuận chọn ngôn ngữ nếu tranh chấp được giải quyết tại Tòa án nhân dân); thứ hai, các bên có thể thỏa thuận chọn ngôn ngữ ngay từ đầu (trong hợp đồng có thỏa thuận trọng tài) nhưng cũng có thể thỏa thuận chọn ngôn ngữ trong quá trình giải quyết tranh chấp; thứ ba, nếu các bên đã thỏa thuận chọn ngôn ngữ thì các bên cũng có quyền thay đổi bằng cách thỏa thuận một ngôn ngữ khác. Đây là những điểm khá đặc thù khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài mà doanh nghiệp nên biết.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thỏa thuận chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713925595 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713925595 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10