Cùng với công nghệ tiến bộ, dân số trẻ cũng như nhu cầu về học tập khổng lồ, giáo dục và công nghệ giáo dục (EdTech) là một trong những lĩnh vực trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
>>EdTech hấp dẫn đầu tư
Ông Sandeep Aneja, nhà sáng lập kiêm giám đốc quản lý của Kaizenvest, quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào lĩnh vực giáo dục có trụ sở tại Singapore khẳng định khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Xin ông cho biết hiện trạng đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và quỹ đầu tư tư nhân (PE) vào ngành giáo dục ở Việt Nam hiện ra sao?
Bất chấp những điều kiện vĩ mô đầy thách thức, chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng dài hạn của dòng vốn đầu tư VC và PE vào ngành giáo dục tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng tốc độ số hóa nhanh chóng trong các ngành và sự quan tâm ngày càng tăng từ những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục STEAM (phương pháp giáo dục tích hợp đủ 5 lĩnh vực) cho mọi lứa tuổi.
Do đó, chúng tôi dự đoán các quỹ VC/PE sẽ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực giáo dục của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều phân khúc hiện đã chín muồi và chúng tôi, tại Kaizenvest, tin rằng trong vòng 12 tháng tới, chúng tôi sẽ bắt đầu chứng kiến các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm hợp nhất các khoản đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.
- Là người trong cuộc, theo ông các quỹ đầu tư mạo hiểm VC cần cân nhắc những yếu tố chính nào khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam?
Ở cấp độ vĩ mô, hầu hết các nhà đầu chọn ngành giáo dục vì các gia đình chi một tỷ lệ lớn trong thu nhập của họ cho giáo dục. Không giống như nhiều nhóm tiêu dùng, giáo dục có tính cố định và học sinh có thể theo học tại một trường từ vài tháng (đối với các khóa học ngắn hạn), đến một năm hoặc hơn (các khóa học ngôn ngữ), vài năm (mầm non) đến hơn 10 năm (đối với các trường phổ thông).
Với sự xuất hiện của công nghệ trong giáo dục, thường được gọi là edtech, giờ đây học sinh ở xa cũng có thể tiếp cận với các bài giảng trực tiếp và các khoá học khác nhau. Do đó, đầu tư vào edtech khá hấp dẫn. Nguyên tắc chung của chúng tôi khi đầu tư vào bất kỳ công ty nào là cân nhắc rằng nhà sáng lập (founder) có phù hợp hay không, sức hấp dẫn của thị trường ra sao, hay sản phẩm dịch vụ họ đưa ra có gì đặc biệt.
Cụ thể, đối với ngành giáo dục, chúng tôi xem xét các yếu tố thành công của một startup phụ thuộc vào kết quả học tập của học sinh, chỉ số đo lường sự hài lòng (NPS), chỉ số tài chính,…. Một số ví dụ bao gồm cải thiện kết quả rõ ràng của học sinh, xác định các dấu hiệu về tỷ lệ duy trì và gia hạn cao đối với các dịch vụ B2C. Đối với các dịch vụ B2B, ngoài kết quả học tập, chúng tôi tìm kiếm các dấu hiệu rõ ràng về khả năng giữ chân khách hàng và khả năng sinh lời.
>>Azota “chen chân” Edtech Việt Nam
- Xét về độ đổi mới và sáng tạo, các startup edtech của Việt Nam so với các edtech tại nước khác như thế nào?
Nói chung, có hai loại đổi mới trong edtech. Một trong số đó là đổi mới mô hình kinh doanh thị trường hoặc đổi mới công nghệ cốt lõi. Các startup Việt Nam đang làm rất tốt việc đổi mới mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ. Về khía cạnh đổi mới dựa trên công nghệ cốt lõi, các startup edtech Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu nhưng đang nhanh chóng đạt được vị thế so với các Edtech ở các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Về cơ hội thị trường, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam có tiềm năng to lớn nhờ dân số trẻ và đông đảo, thu nhập khả dụng tăng, chi tiêu cho giáo dục tăng, và nền văn hóa ham học hỏi. Chúng tôi thấy Việt Nam cũng là một thị trường rất thú vị đối với các edtech từ Singapore, Ấn Độ và từ Hoa Kỳ. Những edtech ngoại thường có hiện diện tại Việt Nam thông qua việc mua lại hoặc mở văn phòng mới. Trong 5 năm nữa, bối cảnh edtech Việt Nam sẽ khác rất nhiều với nhiều đối thủ trong khu vực và toàn cầu hơn.
- Xin ông cho biết những rủi ro liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam là gì và các quỹ đầu tư làm thế nào để giảm thiểu những rủi ro này?
Rủi ro về nguồn nhân lực và hàng lang pháp lý là một trong số những vấn đề đáng cân nhắc của ngành giáo dục tại Việt Nam.
Thứ nhất, chúng tôi quan sát rằng về thị trường rất nhiều cơ hội, chẳng hạn như ở mảng trang bị những kỹ thuật số cho học sinh hệ K12, mảng STEAM và mảng dạy tiếng Anh ở các thành phố Cấp 2 và Cấp 3. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô trở nên khó khăn khi nhiều startup thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm của Kaizenvest tại thị trường Đông Nam Á và Nam Á có thể hỗ trợ các startup bằng cách cách thu hút các tài năng/nguồn lực xuyên biên giới, cũng như hình thành các mối quan hệ đối tác quan trọng để giúp giảm thiểu rủi ro cụ thể này.
Tiếp theo, ngành giáo dục được quản lý chặt chẽ ở Việt Nam và các thay đổi trong các quy định hiện hành có thể tác động đáng kể đến ngành. Để giảm thiểu rủi ro, hãy đầu tư vào các phân khúc ít có khả năng gặp phải những thay đổi quan trọng về quy định. Vì vậy, chúng tôi giữ thái độ thận trọng về các dự án xây dựng các cơ sở giáo dục tại những nơi chưa có hạ tầng phát triển.
- Xu hướng nào đang định hình ngành giáo dục tại Việt Nam, thưa ông?
Một trong những xu hướng lớn nhất mà chúng ta đang thấy đang định hình ngành giáo dục ở Việt Nam là nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao.
Việt Nam đang tiếp tục thu hút những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất công nghệ, chẳng hạn như Samsung. Năm 2022, Samsung có 28 nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam trên 11 tỉnh thành, chiếm 80% sản lượng hàng hóa do họ sản xuất. Sự phát triển này đã tiếp tục thu hút những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới tới Việt Nam, điều này đồng thời dẫn đến sự gia tăng khả năng cạnh tranh cho những tài năng địa phương có tay nghề cao trên nhiều khía cạnh. Xu hướng này cũng vô tình tác động đến sự gia tăng nhu cầu về giáo dục quốc tế và đào tạo kỹ năng mềm.
Một xu hướng khác mà chúng tôi quan sát thấy được thúc đẩy bởi COVID-19, đó là phụ huynh đang dần chấp nhận việc học trực tuyến. Do đó, chúng tôi tin rằng sự thay đổi phương pháp sư phạm mới này sẽ tạo ra một tương lai đầy hứa hẹn để edtech phát triển.
Bởi hiện tại, tài chính giáo dục cho học sinh hoặc trường học ở Việt Nam cũng đang tụt hậu so với các thị trường mới nổi khác như Indonesia và Philippines.
- Trong những thời điểm nhiều biến động và khó khăn trong việc huy động vốn như hiện nay, ông có lời khuyên nào cho các startup đang tìm kiếm đầu tư trong môi trường hiện tại?
Lời khuyên của chúng tôi dành cho các startup ở Việt Nam là hãy tập trung thật vững chắc vào việc xác định và giải quyết một vấn đề mà họ hiểu thật rõ.
Tôi chắc chắn rằng các startup Việt Nam, với thế mạnh về công nghệ, sẽ sớm phát triển được sản phẩm. Tuy nhiên, phần khó khăn nhất chính là việc tìm được đối tác đầu tư phù hợp để hợp tác.
Vì đầu tư thực sự là một mối quan hệ đối tác, tôi khuyến khích các nhà sáng lập startup nói chuyện với các nhà đầu tư tiềm năng để hiểu về thị trường Việt Nam và đánh giá xem có phù hợp với triết lý đầu tư hay không. Một nhà đầu tư có danh tiếng sẽ mang lại uy tín đáng kể cho sự phát triển của startup.
Tôi cũng khuyến khích những người sáng lập phải có ý thức về chi phí vì giờ đây, việc huy động cũng như tình hình tài chính nói chung khá chặt chẽ. Các chỉ số kinh doanh, chỉ số tài chính…là rất quan trọng, và định giá startups giờ đây cũng không còn “đắt” như vài quý trước nữa.
Do đó, thay vì huy động vốn ồ ạt, huy động vốn thông minh có thể hiệu quả hơn trong thời điểm khó khăn này.
Cuối cùng, tôi khuyên bạn nên kiên nhẫn, dành nhiều thời gian hơn cho việc gây quỹ hơn. Gọi vốn là một bài toán khó, mà không chỉ đơn thuần là tiếp cận nguồn vốn, mà còn là việc tìm một đối tác dài hạn, uy tín có thể giúp bạn thực hiện giấc mơ.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
15:51, 09/05/2023
00:56, 09/12/2022
06:33, 16/10/2022
06:36, 01/10/2022
00:00, 16/08/2022