Chi phí cho tiếp thị qua mạng xã hội ngày càng cao nhưng hiệu quả đem lại không mong muốn bắt buộc các doanh nghiệp phải nghĩ ra chiến lược mới.
Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, hầu hết là startup từ chối phương thức chạy quảng cáo qua mạng xã hội, điển hình là Instagram mà thay vào đó là tiếp cận với khách hàng bằng những sự kiện đặc biệt và thiết thực.
Ví dụ như Charlotte Cho với thương hiệu mỹ phẩm Then I Met You tổ chức chương trình giảm giá đặc biệt đồng giá 1 đôla, hay kết nối các khách hàng và tổ chức talk show với chuyên gia làm đẹp… Cô chia sẻ:”Tôi muốn tạo ra một cộng đồng chứ không phải mua họ bằng tiền”.
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp bắt đầu quay lưng với Instagram lẫn Facebook. Phản hồi của đa số khách hàng là cảm thấy khó chịu khi phải thấy cùng một nội dung quảng cáo lặp đi lặp lại trên newsfeed của mình.
Điều này đồng nghĩa với việc kể cả có chi nhiều tiền cho quảng cáo qua mạng xã hội cũng không đem lại hiệu quả mong muốn, thậm chí tổn hại đến thương hiệu.
Tiếp theo, chi phí mà doanh nghiệp phải trả để chạy quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng đắt. Theo số liệu của Adobe Digital Insights, giá quảng cáo qua mạng trung bình tăng hơn 12% so với hai năm về trước.
Các thương hiệu phải tăng chi đến 42% so với hai năm về trước nhưng hiệu quả chỉ tăng 11%. Điều này trái ngược so với báo cáo của Facebook rằng chi phí giảm 4% và hiệu quả tăng 33%. Hãng mĩ phẩm Lush của Anh quốc là một trong số những thương hiệu nổi tiếng giã từ tiếp thị qua mạng.
Hãng đã đăng trên trang cá nhân của mình với nội dung: “Chúng tôi không muốn trả tiền để được hiện trên newsfeed của các bạn. Vì vậy chúng tôi quyết định chia tay với một số kênh mạng xã hội của mình và thay vào đó là mở ra những cuộc đối thoại với khách hàng của mình”.
Tập đoàn P&G sở hữu Olay và Gilette cũng quyết định cắt giảm 200 triệu đôla cho quảng cáo qua mạng. Một trong những nhà lãnh đạo của tập đoàn, ông Marc Pritchard cho rằng tiếp thị qua mạng là quá lãng phí khi người dùng Facebook chỉ xem quảng cáo của mình chưa đến 2 giây.
Renae Smith, người sáng lập Công ty PR The Atticism của Úc chia sẻ: “Nếu Instagram ra mắt vào thời điểm này, chúng tôi sẽ cười không ngớt với mô hình đòi hỏi chúng ta phải trả quá nhiều tiền để tiếp cận với công chúng”.
Cô nói thêm: “Mạng xã hội từ một nơi rất tuyệt vời để kết nối trở thành mô hình kinh doanh móc túi doanh nghiệp mà không hề hiệu quả.” Điều này bắt buộc các chuyên gia marketing phải tìm ra phương thức tiếp thị mới hiệu quả hơn.
Một số nền tảng mạng xã hội mới đang được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả với thương hiệu bao gồm Quora, Pinterest hay Tiktok. Một số trang thương mại điện tử như Amazon, Walmart chọn cách đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm trên banner quảng cáo. Phương thức gửi thông tin qua mail cá nhân cũng vẫn mang lại hiệu quả nhất định.
Thương hiệu như Lush đầu tư để phát triển ứng dụng riêng cho khách hàng nhằm kết nối trực tiếp và chăm sóc khách hàng trực tiếp mà không cần thông qua bên thứ ba.
Quảng cáo truyền thống qua billboard hay tạp chí máy bay vẫn hiệu quả bởi người xem dễ dàng bắt gặp nội dung quảng cáo, nhất là với tạp chí máy bay khi người đọc không thể lướt qua giống như xem smartphone.
Bất ngờ nhất là nhiều thương hiệu quyết định mở cửa hàng thay vì tiếp tục rót tiền cho thương mại điện tử. Lý do là họ chọn mạng xã hội vì chi phí rẻ nhưng khi tiền quảng cáo ngày càng cao mà khách hàng càng ít thì tình thế phải đảo ngược.
Bong bóng tiếp thị qua mạng xã hội có nguy cơ sẽ vỡ tung nếu càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp không nhận được sự cân bằng giữa chi phí bỏ ra cho quảng cáo qua mạng và hiệu quả về doanh số. Xem thêm: 4 điều cần lưu ý khi tiếp thị qua mạng xã hội.
Dĩ nhiên trong thời buổi mà nguồn cung nhiều hơn lượng cầu, chỉ rót tiền vào một kênh quảng bá không tài nào đem lại kết quả như ý.
Hoặc các doanh nghiệp tự vẽ ra chiến lược cho riêng mình, hoặc là sự ra đời của những nền tảng tiếp thị mới hiệu quả hơn. Nhưng tóm lại, hãy luôn chuẩn bị những kế hoạch B, và thậm chí là C, D trong bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp.