Việt Nam không ngừng phấn đấu để mọi người dân được hưởng thụ đầy đủ thành quả của công cuộc phát triển và chuẩn bị sẵn sàng cho thế hệ tương lai.
Hưởng ứng sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Namibia Nangolo Mbumba và Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Olaf Scholz, ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thông điệp ghi hình tới Sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, được tổ chức trực tuyến ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc (22-23/9/2024).
Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Kính thưa quý vị,
Chúng ta hướng tới Hội nghị thượng đỉnh tương lai với một niềm tin và khát vọng mạnh mẽ về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tươi đẹp, trong đó người dân là trung tâm của các chính sách và hành động.
Chúng tôi kỳ vọng Hội nghị lịch sử này sẽ mang đến tư duy mới và cách làm mới cho tương lai thế giới. Đây sẽ là cơ hội để Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương khẳng định những giá trị không thể thay thế, trước những thách thức to lớn của thời đại.
Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào Hội nghị và những nỗ lực chung nhằm củng cố hòa bình, hợp tác và đoàn kết quốc tế, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu để mọi người dân được hưởng thụ đầy đủ những thành quả của công cuộc phát triển và chuẩn bị sẵn sàng cho thế hệ tương lai.
Trên tinh thần đó, tôi đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận và thống nhất các giải pháp mang tính chuyển đổi. Trước hết, cần có chuyển đổi về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó Liên hợp quốc giữ vai trò dẫn dắt, thiết lập khung pháp lý chia sẻ thông tin, hỗ trợ các quốc gia phát triển công nghệ mới và tiên phong như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa… một cách an toàn. Những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ cần phải đến được với mọi quốc gia theo hướng công bằng, hữu ích và bao trùm.
Thứ hai, sự phát triển bền vững của thế giới gắn liền với chuyển đổi xanh, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng xanh và tài chính xanh. Chúng tôi đề xuất nghiên cứu thiết lập một diễn đàn công nghệ xanh toàn cầu để ASEAN và các tổ chức khu vực khác cùng chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy công nghệ xanh.
Thứ ba, chúng ta cần thúc đẩy chuyển đổi quản trị toàn cầu, trong đó tập trung vào cải tổ Liên hợp quốc và các thể chế tài chính đa phương để có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức hiện tại và tương lai, huy động tốt hơn nguồn lực hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.
Chúng tôi tin rằng, thông qua hợp tác và hành động cụ thể, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu của Hội nghị, tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thế hệ mai sau./.