Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhất của mình mang nhiều thông điệp quan trọng.
Việt Nam có thể là điểm đến đầu tiên lý tưởng để tân Thủ tướng Nhật khẳng định chính sách mới nhằm tăng cường hợp tác của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy từ chuyến thăm của ông Yoshihide Suga là người Nhật đang đặt Việt Nam vào vị trí rất quan trọng. Đó là mối quan hệ song phương Việt - Nhật cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tokyo.
Ở một góc độ khác, “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản đang gấp rút hình thành liên minh tại Châu Á, nếu lược bỏ sang một bên các vấn đề chính trị tại Biển Đông và Trung Quốc, thì liên minh này rất cần các quốc gia như Việt Nam để làm địa bàn tái cấu trúc chuỗi cung ứng mới.
Điều đó cho thấy, ở Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là nền kinh tế có mức độ mở rất lớn, có thể trở thành trung tâm kết nối tại Đông Nam Á- khu vực mà người Nhật đã bày tỏ chiến lược “Nam tiến”.
Mặt khác, khi liên minh “Bộ tứ kim cương” chưa thực sự hình thành, căng thẳng Trung-Mỹ chưa hạ nhiệt, Tokyo mong muốn xích lại gần hơn với ASEAN để cân bằng giữa một bên là đối tác thương mại lớn nhất và một bên là liên minh quốc phòng quan trọng nhất.
Trong 43 năm quan hệ Việt-Nhật, hai bên đã giành cho nhau nhiều tình cảm thắm thiết, Việt Nam luôn là người bạn tốt, đối tác tích cực, phía Nhật luôn đóng vai trò là “nhà kiến thiết” trong chặng đường phát triển của Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua.
Từ 1992 đến nay đã có 27 tỷ USD vốn ODA và gần 60 tỷ USD vốn FDI của Nhật Bản được rót vào Việt Nam. Đặc biệt, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với tổng kim nghạch đạt 39,9 tỷ USD năm 2019. Hiện nay, Việt Nam vẫn là lựa chọn của đa số doanh nghiệp Nhật Bản. Hãng tin Reuters cho biết, trong 30 công ty Nhật hưởng chương trình ưu đãi 23,5 tỷ Yen (223,28 triệu USD) mà Chính phủ Nhật Bản vừa qua cân nhắc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng hướng về Đông Nam Á, có một nửa đã nhắm tới Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ Nhật sẽ trả 1/2 chi phí cho các doanh nghiệp lớn và 2/3 chi phí cho doanh nghiệp nhỏ muốn dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á để tái định vị sản xuất. Những cái tên từng được nhắc tới là Sony, Sharp, Ricoh, Nintendo…
Đây được xem là “cơ hội thứ hai” đến với Việt Nam kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đợt thứ nhất là các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc rời đi khỏi Trung Quốc đến Việt Nam.
Song, điều kiện với doanh nghiệp Nhật còn khác trước, đó là “ưu đãi đầu tư theo chuỗi”. Điều đó không chỉ giúp các công ty lớn của Nhật Bản dễ dàng đầu tư sang Việt Nam hơn, mà còn làm cho các công ty hợp tác của công ty lớn đó cũng có thể đầu tư vào Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 20/10/2020
14:00, 19/10/2020
12:05, 19/10/2020
11:01, 19/10/2020