Quy định người dự tuyển lái tàu, trưởng tàu, gác đường ngang… phải thông tin cả tiền sử sức khoẻ gia đình từ thông tư của Bộ Y tế lại khiến dư luận dậy sóng.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đạt được nhiều thành tựu như có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại trạm y tế xã, dưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, tiết kiệm ngân sách nhờ đấu thầu thuốc tập trung… Tuy nhiên, năm qua cũng xảy ra một loạt vụ bê bối ngành y, trong đó có những chính sách bất hợp lý gây tranh cãi “nảy lửa”, chấn động dư luận cả nước.
Mới đây, Bộ Y tế vừa chính thức ban hành Thông tư 12/2018/TT quy định tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu, trong đó bãi bỏ quy định gây tranh cãi trước đây như: ngực lép, răng vẩu… không được lái tàu. Đáng chú ý, Thông tư lại quy định người dự tuyển lái tàu, trưởng tàu, gác đường ngang… phải thông tin cả tiền sử sức khoẻ gia đình.
Có thể bạn quan tâm |
Phải nói rằng, Bộ Y tế đang là Bộ “tiên phong” cho việc ban hành những chính sách mang tính chất ức chế, cản trở cho người bệnh, nhân dân, người lao động nhất trong số các Bộ, Ban ngành của Chính phủ. Từ chuyện, sinh con gái có thể được hỗ trợ tiền; cấm bán rượu bia sau 22 giờ; phá thai có điều kiện…, đến vấn đề “ngực lép răng vẩu” không được lái tàu xe, giờ lại đến quy định phải thông tin cả tiền sử sức khoẻ gia đình khi khám sức khỏe nếu muốn dự tuyển công việc của ngành đường sắt…
Dư luận đánh giá quy định mới này chẳng khác nào kiểu Bộ đang chơi trò “đánh bùn sang ao”, hay “cố đấm ăn xôi” bởi trên hết, luật không thể tước đoạt quyền lao động chính đáng nhân danh các khiếm khuyết của người thân của người có nhu cầu dự tuyển.
Với những quy định, chính sách kiểu như vậy, nó chính là nguyên nhân chính khiến cho Bộ Y tế đã “đánh mất chính mình” khi tụt hạng so với điểm số về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) qua các năm.
Chỉ số PAR Index của Bộ Y tế năm 2017 đang bị “tụt dốc không phanh” khi chỉ đạt 72,4%, chỉ đứng trên duy nhất mỗi cơ quan ngang bộ đó là Ủy ban Dân tộc (72,13%), trong bảng xếp hạng PAR Index năm 2017 của các Bộ, Cơ quan ngang bộ, được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố hồi đầu tháng 5 vừa qua.
Việc Ủy ban Dân tộc liên tục “đội sổ” về chỉ số PAR Index có thể sẽ không nhận được sự quan tâm nhiều của dư luận, nhưng việc Bộ Y tế cũng nằm trong danh sách đó thì lại là một điều đáng quan tâm hơn cả. Bởi lẽ, một cơ quan làm việc về công tác dân tộc thì có thể chỉ liên quan đến một bộ phận nhân dân, còn ngành y tế thì lại liên quan trực tiếp tới mọi đời sống của người dân Việt Nam.
Được biết, PAR Index là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính nhà nước, được công bố thường niên kể từ năm 2012. Chỉ số này được xác định dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như: Cải cách thủ tục hành chính; Chất lượng đội ngũ nhân sự; hiện đại hóa hành chính; Cải cách và sắp xếp bộ máy cũng như nhân sự; Cơ chế một cửa…
Vậy nên, việc xếp hạng các Bộ, ngành về cải cách hành chính được đưa ra có thể được xem là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng và hoàn thiện việc phụng sự nhân dân, theo sự nghiệp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là cơ sở để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và vì mục tiêu phục vụ nhân dân.
Điều này cũng có nghĩa, việc Bộ Y tế ban hành bộ quy chuẩn mới về khám sức khỏe, nếu xét công bằng thì đó là sự cố gắng của ngành. Nhưng, “soi” cận vào Thông tư 12/2018/TT, nó lại là một sự bất cập, rào cản. Đó là điều mà cả người đứng đầu Bộ và các nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế cần phải xem lại!