Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp sẽ xem xét lại Thông tư 02/2019 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”.
Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp đã kiểm tra văn bản và thấy rằng một số nội dung của Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT ngày 11/02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu được phép lưu hành tại Việt Nam cần phải được xem xét thêm về tính hợp pháp.
Có thể bạn quan tâm
08:02, 18/06/2017
11:01, 09/03/2019
05:02, 05/01/2019
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 02/2019 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”.
Thông tư đính kèm “danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành”.
Theo đó 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được Bộ cho phép lưu hành gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô, phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc DDGS, mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá.
Quy định này có thể hiểu những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm lưu hành.
Điều đó đồng nghĩa với việc những sản phẩm thức ăn chăn nuôi vốn rất thông dụng là rau củ quả như cà rốt, rau muống (trừ khoai, sắn) hay bèo, thân chuối… sẽ không được phép lưu hành.
Với câu hỏi danh sách sản phẩm được lưu hành thì có thể hiểu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục như cà rốt, bèo, thân chuối…là bị cấm lưu hành hay không, Cổng Thông tin Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ngày 13/3 dẫn giải thích của ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Chăn nuôi. Ông Dương khẳng định đây vẫn là thức ăn nguyên liệu được người chăn nuôi sử dụng từ xưa đến nay, những nguyên liệu này vẫn được sử dụng bình thường.
“Nhiều độc giả thấy thiếu mới đặt câu hỏi là có được phép cho lợn ăn rau, cà rốt, bèo… không? Tôi trả lời tất nhiên là có. Vì Thông tư 02 kế thừa toàn bộ nội dung của Thông tư 26 nên chưa có các danh mục sản phẩm trên", ông Dương nói.
Ông Dương thông tin, thời gian tới Cục sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và đưa ra quy định, kỹ thuật tối thiểu để người chăn nuôi sử dụng đáp ứng đúng yêu cầu đưa ra.
"Ví dụ không đưa cà rốt, cà chua, khoai tây thối… để sử dụng cho gà, lợn; khuyến cáo không thả bèo ở vùng dịch, nguy cơ nhiễm ecoli… Khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng nguyên liệu phải đủ điều kiện. Tất nhiên quy định này sẽ không áp dụng ngay bây giờ được", vị lãnh đạo Cục giải thích.
Theo ông Dương, Thông tư này ra đời không ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi nhỏ lẻ có sử dụng nguyên liệu truyền thống nhưng sẽ tác động đến các nhà sản xuất vì không nhập, không lưu hành được các nhóm sản phẩm nguyên liệu có trong danh mục này, ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng đến các nguyên liệu tập quán này (ngô, lúa mì, đậu tương, sắn…).
Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định Thông tư 02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất bất hợp lí bởi đang áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Trong khi đó, theo lý giải của ông Đức thức ăn chăn nuôi theo tập quán là thứ người dân vẫn sử dụng từ trước đến nay, không cần bất kỳ một cơ quan nhà nước nào cho phép cả. Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tập quán của người dân có vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước chỉ nên hạn chế hoặc cấm đúng loại thức ăn đó thôi.
“Rất khó hiểu vì sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại ban hành danh mục những thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Vậy chẳng lẽ toàn bộ trí tuệ xã hội bị đóng khung trong hiểu biết của nhà làm luật?”, ông Đức bình luận.
“Trong trường hợp này, tôi cho rằng, thay vì danh mục các danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành ban soạn thảo chỉ cần đưa ra danh mục thức ăn chăn nuối cấm được phép lưu hành. Như vậy, với danh mục cấm này, người dân sẽ chỉ phải tránh những thức ăn bị cấm, còn lại họ sẽ được thoải mái sử dụng”, ông Đức nói
Đáng chú ý, vị chuyên gia pháp chế này còn chỉ ra một điểm bất thường của Thông tư 02/2019. Đó là dự thảo thông tư được đăng trên website của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn từ ngày 10/1/2019, sau 60 ngày, tức 11/3/2019 mới hết hạn lấy ý kiến, vậy mà 11/2/2019 Bộ đã ký ban hành.