Mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước mong mỏi được đầu tư vào các đặc khu kinh tế với quy mô lớn. Tuy nhiên, các đặc khu này cần “đại bàng” hơn là “chim sẻ”.
Dự kiến, Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong sẽ trở thành đặc khu khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới, tuy nhiên các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều hứng khởi và kỳ vọng về triển vọng đầu tư vào các đặc khu này.
Hút nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại
Mới đây phải kể đến kỳ vọng đầu tư từ “ông vua hàng hiệu” là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), đã tới Khánh Hòa để bày tỏ mong muốn được đầu tư một chuỗi dự án tại Bắc Vân Phong, với quy mô lên tới 50 tỷ USD.
Theo đó, nhà đầu tư Việt Nam này sẽ cùng với đối tác liên danh KPMG Hàn Quốc sẽ xây dựng các dự án cảng nước sâu, sân bay, khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino, sân golf, cảng du lịch với các tàu lớn nhất thế giới có thể ghé thăm, thậm chí cả các khu dân cư công nghiệp công nghệ cao...., nhằm biến Bắc Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch của ASEAN.
Với quy mô của một đại kế hoạch này, IPP sẽ xây dựng các cơ chế để hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác.
Cũng liên quan đến hoạt động đầu tư vào Vân Đồn, liên danh các nhà đầu tư Vision Transportation Group (VTG), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Đăng và Công ty Đầu tư và Phát triển Sunny World cũng đã đề xuất đầu tư chuỗi dự án đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái - Vân Đồn cũng như, Khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong và Khu đô thị phức hợp phía Bắc đảo Cái Bầu, với quy mô vốn đầu tư lên tới 10 - 15 tỷ USD.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã đăng ký đầu tư vào các dự án lớn tại Vân Đồn, trong đó phải kể đến dự án sân bay Vân Đồn đã chuẩn bị được vận hành.
Những mong mỏi đầu tư của các nhà đầu tư cả trong và ngước nước cho thấy sức hút từ hoạt động Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong khi sắp trở thành các đặc khu. Chính vì vậy, dường như những băn khoăn về việc làm sao để thu hút được 1,57 triệu tỷ đồng để phát triển các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ không còn là băn khoăn chính mà thay vào đó là làm thế nào để tối ưu hoá được mọi cơ hội đầu tư thành hiện thực.
Khi các cơ hội đầu tư được “đổ” vào các đặc khu, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội “cất cánh” như kỳ vọng.
Cuộc chơi của những ông lớn nước ngoài?
Tuy nhiên những tín hiệu đó dường như chưa “thoả mãn” các chuyên gia kinh tế. Bởi theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng như của nhiều vị chuyên gia khác cho rằng, đặc khu phải là “cuộc chơi” của những ông lớn nước ngoài. Nghĩa là phải là những nhà đầu tư hạng nhất.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái cho rằng, các nhà đầu tư đầu tư vào các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc phải là những “đại bàng”, “phượng hoàng” chứ không phải là chim sẻ. Những ý kiến này cũng phần nào lý giải vì sao trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đề cập một trong những tiêu chí đối với các nhà đầu tư chiến lược đó là ưu tiên các doanh nghiệp nằm trong top 500 Fortune thế giới.
Giải thích cụ thể hơn, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, phải là các tập đoàn hàng đầu thế giới, có tiềm lực tài chính mạnh, có công nghệ hiện đại, có trình độ quản trị tiên tiến… Chỉ những chú “đại bàng” này mới đủ sức “xoay chuyển cuộc chơi”, biến đặc khu trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn ở quy mô toàn cầu, cạnh tranh được với các đặc khu khác trên thế giới và trở thành cực tăng trưởng cho kinh tế toàn vùng và cả nước.
Nói đến đây, gợi nhắc đến những “chú đại bàng” từng đến và đi. Cụ thể, là các đại gia nước ngoài đề xuất kế hoạch đầu tư cả chục tỷ USD, trăm tỷ USD ở Phú Yên, ở Khánh Hòa, song không thể trở thành hiện thực do cơ chế bị bó buộc, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, để đặc khu lần này xây dựng thành công, phải bỏ các ràng buộc và quan trọng nhất là, phải có thể chế vượt trội.
“Thể chế quan trọng hơn ưu đãi”, chuyên gia Võ Đại Lược nhấn mạnh.