Thu hút khách hàng qua những câu chuyện thương hiệu khác biệt

THEO AIMACADEMY 19/08/2020 11:23

Câu chuyện được coi là cầu nối mang thương hiệu đến với khách hàng, mở ra niềm tin của khách hàng mà bao doanh nghiệp khao khát.

Hồi học marketing tại Đại học, đã nhiều lần mọi người nghe câu chuyện của Steve Jobs với Apple, Larry Page và Google hay Elon Musk và Tesla. Những câu chuyện ấy khiến biết bao sinh viên mơ mộng được thêu dệt nên sự tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nhưng con đường từ lý thuyết đến thực hành lại “cao hơn cả núi, dài hơn cả sông” khi khách hàng ngày một khó tính, đối thủ đông như quân Nguyên. Vậy phải làm sao để khiến thương hiệu của bạn đi thẳng vào lòng đối tượng mục tiêu?

Thương hiệu – Cái hiệu được thương

Con người chúng ta tạo dựng năng lượng từ tình cảm và đòn bẩy tình cảm chứ không chỉ bằng lí trí. Thật lạ là ta nhớ một dịch vụ hay sản phẩm rất lâu không bởi vì vẻ đẹp hay đặc điểm nổi bật mà là những cảm xúc sâu sắc ta có được.

Người ta nhớ đến hàng phở đầu hẻm đôi khi không phải do phở ngon mà do cô bán hàng chân tình, dễ thương; cũng như người ta nhớ đến dịch vụ của bạn bởi nó mang đến sự tin cậy. Khi đã đáp vào “vùng say mê”, thương hiệu của bạn sẽ được nâng niu, gìn giữ, thậm chí còn được bảo vệ và tha thứ mà không cần giải thích nhiều.

Theo bà Hoàng Thị Mai Hương, Tổng giám đốc công ty quảng cáo Saatchi & Saatchi: “Phần lớn thương hiệu tại Việt Nam chỉ đang dừng ở mức brand, giống như một thương hiệu hàng hóa chứ chưa nhiều thương hiệu khiến người mua say mê. Vì vậy, khách hàng sẽ dễ dàng chuyển sang thương hiệu khác ngay khi có những yếu tố nhu cầu tốt hơn. Mỗi ngày, một người Việt Nam nhận được khoảng 3.000 thông điệp, cái bạn cần làm là giúp thương hiệu không bị che lấp đi, để người ta chú ý, né cái người ta ghét, giữ được sự tôn trọng và làm người ta tôn trọng.”

Vậy làm thế nào để tạo ra tình yêu đó? Việc brand được yêu thương giống tình yêu giữa người với người. Brand và người tiêu dùng phải thấy ở nhau sự tôn trọng, bí ẩn thông qua câu chuyện được gợi mở. Không phải lúc nào người ta đến với tình yêu cũng qua gặp mặt, đặc biệt là đối với tài sản vô hình như brand trong thời đại số. Vì vậy, câu chuyện được coi là cầu nối mang thương hiệu đến với khách hàng, mở ra tình yêu thương, sự nâng niu mà bao doanh nghiệp khao khát.

Có một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn cũng là 1 trong 7 bước xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ với tiêu chí hiệu quả nhưng ít tốn kém.

Brand story – Câu chuyện thương hiệu

Câu chuyện luôn được coi là công cụ giao tiếp mạnh mẽ của con người. Khi nhân loại còn đang sống trong thời kì đồ đá, những câu chuyện bên ánh lửa đã trở thành thói quen, truyền thuyết được truyền qua hàng nghìn đời nay.

Khó có thể tin rằng một câu chuyện thông thường có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách thức và hành vi con người. Một câu chuyện hay có thể giảm chất cortisol, yếu tố tạo nên stress trong não hay ngược lại là tăng oxytocin, chất kích thích những cảm giác tốt đẹp về bản thân và mọi người xung quanh.

Câu chuyện thương hiệu được coi là cú nhảy vọt khi nó vượt xa những đặc điểm mà khách hàng biết về dịch vụ, tạo nên dấu ấn riêng trong lòng khách hàng với những ý nghĩa nhất định. Đây cũng chính là động lực tăng trưởng và sinh lợi của doanh nghiệp.

Nghe thì vĩ đại biết bao, nhưng cái vĩ đại bắt tay vào làm mới thấy khó trăm đường. Dường như khi được hỏi “Kể tôi nghe câu chuyện thương hiệu của bạn đi”, hầu hết các CEO và doanh nghiệp đều đau đầu. Độ khó còn tăng hơn khi bạn được yêu cầu kể câu chuyện thương hiệu của mình trong vòng 10 giây! Gần như là không thể!

Thế nhưng, một bài toán khó sẽ luôn có nhiều cách giải hay. Nếu không giải kiểu này thì chuyển sang giải kiểu khác. Vấn đề bạn phải tìm tòi áp dụng các công thức đã nghiên cứu mới có thể cho ra được cách giải phù hợp nhất. Đã đến lúc chúng ta cùng bàn về những yếu tố tiên quyết tạo nên một thương hiệu cuốn hút nhé!

Chìa khóa cho câu chuyện thương hiệu nổi bật

Các chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới đã dày công nghiên cứu hàng trăm thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, và đúc kết được 5 yếu tố quan trọng nhất tạo nên một câu chuyện thương hiệu đi vào lòng người. Bạn hãy đọc và nghiên cứu xem có đúng với doanh nghiệp và câu chuyện thương hiệu của mình không nhé:

Câu chuyện thương hiệu cần ý nghĩa

Có quá nhiều thương hiệu đang cố gắng tạo ra những câu chuyện theo mong muốn của họ hoặc chạy theo đối thủ thay vì đứng ở phương diện của khách hàng, những gì họ muốn, họ quan tâm. Ý nghĩa ở đây không phải là ý nghĩa mang tính “huyền thoại”, mà là tạo ra ý nghĩa thực sự, liên quan đến khách hàng của chính bạn. Tưởng đao to búa lớn mà đơn giản quá phải không nào?

Câu chuyện thương hiệu cần cá nhân hóa

Bạn có thể kể bất cứ câu chuyện nào bạn thích: từ giáo dục, giải trí cho đến truyền cảm hứng. Thế nhưng điều khách hàng cần lại chính là sự kết nối với cuộc sống, suy nghĩ của chính họ. Bởi nếu câu chuyện thương hiệu của bạn có độc đáo đến đâu mà kể về sân bay trong khi khách hàng của bạn lại ngồi ở ga tàu hỏa thì tình yêu lại trở thành đơn phương.

Câu chuyện thương hiệu cần cảm xúc

Đi thẳng vào tâm trí người đọc, gây xúc động mạnh mẽ, để lại ấn tượng sâu sắc là điều câu chuyện thương hiệu cần phải có. Việc tạo cảm xúc cho những giây đầu tiên gặp gỡ vô cùng quan trọng, bởi ấn tượng ban đầu thường ở lại lâu nhất và ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài.

Nói đến truyền cảm hứng, không thể không kể đến Nike với slogan “Just do it!” qua câu chuyện thương hiệu về những cá nhân có ước mơ trở nên phi thường. Bằng câu chuyện về người anh hùng xưa như Trái Đất, với nhân vật chính là khách hàng trong câu chuyện đó, Nike tạo động lực cho mỗi người không ngừng cố gắng, ca ngợi sự chăm chỉ và chiến thắng sự lười biếng. Khao khát được vĩ đại không chỉ có ở anh hùng mà còn ở chúng ta, những con người bình thường trong cuộc sống.

Câu chuyện thương hiệu cần giản đơn

Có ai thích một người nói quá nhiều mà bên trong rỗng tuếch? Tương tự như việc phải nghe một chuyện chắp vá nhiều chủ đề, không có điểm tập trung, liệu bạn có thể ngồi nghe hay đọc hết mà không thấy khó chịu? Việc kể một câu chuyện đơn giản, tập trung vào một chủ đề có định hướng rõ ràng cho người đọc, thể hiện sự hiểu biết chuyên sâu trên một lĩnh vực luôn làm người đối diện ấn tượng, thay vì lan man rông dài, không có điểm đến.

Câu chuyện thương hiệu cần chân thực

Những gì đến từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Việc để cho câu chuyện của bạn chân thực “mộc” nhất theo vẻ đẹp của nó có thể khiến khách hàng tin tưởng.

Airbnb chính là một trong những thương hiệu mang đến những cảm nhận chân thực khi câu chuyện thương hiệu của hãng không đến từ góc độ brand mà từ phía khách hàng, tạo nên một cộng đồng tuyệt vời. Khi đi tìm câu chuyện thương hiệu cho mình, Airbnb đã khảo sát gần 500 người trên toàn thế giới, là những người sử dụng nền tảng của họ bao gồm cả chủ nhà và khách du lịch. Có một từ liên tục xuất hiện trong những cuộc phỏng vấn này: belonging (thuộc về).

Vậy là ý tưởng về belonging – cảm giác được chào đón và được chấp nhận trở thành trung tâm câu chuyện thương hiệu của Airbnb. “Belong anywhere” trở thành slogan chính thức của Airbnb, ảnh hưởng đến thiết kế logo và toàn bộ câu chuyện thương hiệu của họ.

Airbnb còn tận dụng UGC (User-Generated Content) từ chủ nhà và khách du lịch để tiếp nối câu chuyện thương hiệu của mình. Khách hàng sẽ kể lại những trải nghiệm của mình về Airbnb thông qua những chuyến đi, những người họ gặp, mọi câu chuyện, kết nối, tương tác trở nên chân thực hơn bao giờ hết.

Giống như con người chúng ta, mỗi câu chuyện đều có những khoảnh khắc đẹp, xấu hay tồi tệ. Việc kể cho đúng người, đúng thời điểm sẽ không khiến thương hiệu xấu đi mà còn tạo ra một ấn tượng chân thực, “mộc’’ nhất, tạo ra sự sống động về hình ảnh thương hiệu trong mắt đối tượng truyền thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu hút khách hàng qua những câu chuyện thương hiệu khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO