Việc thiết lập những quy định về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, điều hành trong Cơ quan nhà nước là vô cùng cần thiết.
>>Hút nhân tài nhìn từ các “gã khổng lồ”
Cách đây 540 năm (1484-2023), Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung đã từng viết bài ký trong tấm bia Văn Miếu tại Quốc Tử Giám: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp.
Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí". Câu nói nổi tiếng trên của vị Tiến sĩ triều Lê vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Việc thu hút, trọng dụng nhân tài tại Việt Nam luôn được đặt lên hàng đầu trong suốt những năm qua. Nhưng cũng đặt ra vấn đề về việc người tài có được bồi dưỡng, trọng dụng nếu không đáp ứng được yêu cầu của một Đảng viên thực thụ.
Trên thực tế, những văn bản pháp luật hiện tại có những quy định hướng vào việc cán bộ, công chức phải có yếu tố là Đảng viên. Theo Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, đối với cán bộ, “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”
Đối với công chức, “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Như vậy, có thể nói hiện nay cán bộ, công chức gần như phải tham gia và được tuyển dụng, bổ nhiệm trong cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 8 Luật Cán bộ, công chức 2008, nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, nhà nước và nhân dân bao gồm 5 nội dung chính: (1) trung thành với Đảng, nhà nước; (2) bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; (3) tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; (4) liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; và (5) chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.
>>Xây dựng đội ngũ doanh nhân tài - đức
>>Xây dựng văn hoá số để giữ chân nhân tài
Ngoài ra, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức được quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 cũng mang yếu tố Đảng viên, cụ thể tại Khoản đ Điều 36 quy định cán bộ phải có phẩm chất chính trị. Qua đó cho thấy, quy định hiện nay thể hiện việc tuyển dụng cán bộ, công chức có khuynh hướng cân nhắc lựa chọn, bổ nhiệm người là Đảng viên.
Trong chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài, nội dung quy định theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài. Tại Quyết định số 297/QĐ-BNV về kế hoạch xây dựng đề án thu hút và trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở là mục đích quan trọng.
Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan có liên quan để thực hiện nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung cơ chế chính sách ưu đãi nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững nhưng trên thực tế vẫn chưa được triển khai đồng bộ, triệt để.
Thời gian qua, nhằm phát triển theo tiến trình đào tạo cán bộ chủ chốt trong các vị trí quan trọnǵ, Bộ Nội vụ đã đưa ra những quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong Cơ quan nhà nước. Theo đó, đối tượng điều chỉnh là công chức trong các Cơ quan nhà nước ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 11 nhóm chức vụ.
Các tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, bao gồm: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ đào tạo chuyên môn, sức khỏe, độ tuổi. Trong đó 19 chức danh được đề cập; ứng với mỗi chức danh, 3 nhóm tiêu chuẩn chính được đề cập: Năng lực chuyên môn, Kinh nghiệm công tác và Trình độ chuyên môn.
Ngoài các yếu tố trên, để đánh giá nhân tài còn cần sự cam kết gắn bó thể hiện qua ý chí làm việc và tính cống hiến cho sự thành công của tổ chức nói chung và Cơ quan nhà nước nói riêng. Tuy nhiên để sự cống hiến được phát huy tối đa, chính sách ghi nhận, khen thưởng sẽ là chất xúc tác hữu hiệu.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
10:26, 13/04/2023
12:22, 18/02/2023
11:00, 14/02/2023
05:21, 23/01/2023