Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) và Vietnam Airlines triển khai thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass vào tháng 6/2021.
Hộ chiếu sức khoẻ điện tử là một trong những giải pháp được kỳ vọng để Việt Nam mở cửa biên giới một cách nhanh chóng, an toàn, hỗ trợ ngành du lịch và hàng không sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về nhập cảnh đối với những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong "bối cảnh hộ chiếu vaccine" đã bắt đầu được một số nước trên thế giới áp dụng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các biện pháp xử lý đối với vấn đề này.
Cụ thể, hiện tại Singapore, Panama và Estonia là 3 quốc gia đã chính thức đồng ý cho phép hành khách sử dụng ứng dụng này khi nhập cảnh. Ngoài ra, có hơn 30 hãng hàng không đã công bố thử nghiệm, bao gồm Singapore Airlines, Qatar Airways...
Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam khi vừa ký thỏa thuận với Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) để thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass (hộ chiếu vắc xin).
Hộ chiếu sức khoẻ điện tử có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến. IATA sẽ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines xuyên suốt quá trình chạy thử nghiệm.
IATA và Vietnam Airlines sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm vào tháng 6/2021. Quá trình này bao gồm việc một số hành khách sẽ được lựa chọn để tải miễn phí ứng dụng IATA Travel Pass vào điện thoại di động, tạo hồ sơ cá nhân số gồm ảnh và thông tin hộ chiếu, điền thông tin chuyến bay để được cập nhật về yêu cầu dịch tễ tại điểm đến.
Trước khi khởi hành, hành khách phải đặt lịch và đến xét nghiệm hoặc tiêm chủng vaccine COVID-19 tại cơ sở được chỉ định bởi Chính phủ nước sở tại mà đã được đăng kí với IATA, sau đó chia sẻ kết quả điện tử và xác nhận tình trạng bay với hãng hàng không trước khi bắt đầu hành trình.
Ứng dụng giúp hãng hàng không và nhà chức trách kiểm tra tính hợp lệ của các chứng chỉ và dễ dàng định danh hành khách. Mọi thông tin này được bảo mật và chỉ được chia sẻ khi hành khách cho phép.
IATA Travel Pass tích hợp một số giải pháp số hàng đầu như du lịch không tiếp xúc, dữ liệu sinh trắc học, chứng nhận sức khoẻ điện tử như kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt thuận tiện và hiệu quả khi có thể thay thế cho các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay.
Đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không tiên phong tại Việt Nam thử nghiệm IATA Travel Pass tạo ra một bước tiến lớn cho hành khách của Hãng và cho ngành hàng không nước nhà.
"Chúng tôi tin rằng năng lực đẩy mạnh chuyển đổi số của Vietnam Airlines cùng với chuyên môn sâu rộng của IATA trong lĩnh vực hàng không sẽ mang lại một số thành công nhất định sau đợt thử nghiệm này. Giải pháp hộ chiếu sức khỏe điện tử như IATA Travel Pass nên được các chính phủ cho phép và công nhận rộng rãi, giúp nhanh chóng khôi phục vận tải hành khách quốc tế thường lệ. Mục tiêu quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn và liền mạch cho tất cả mọi người", Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ.
Ông Nick Careen, Phó Chủ tịch cấp cao IATA về Điều hành Sân bay, Hành khách, Hàng hóa và An ninh cho biết: “Đây là giải pháp tạo điều kiện cho du lịch quốc tế trong thời kỳ đại dịch, mang lại sự sự yên tâm và đảm bảo rằng hành khách đáp ứng tất cả các yêu cầu về COVID-19 khi nhập cảnh. IATA Travel Pass nắm giữ chìa khóa cho sự tái khởi động của ngành du lịch và lữ hành, một ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của đất nước.”
Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, không chỉ ở Việt Nam "hộ chiếu vaccine" đang được nghiên cứu, tranh luận ở nhiều nước trên thế giới. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ từ đó đưa ra các chỉ đạo phù hợp. Nếu áp dụng hộ chiếu vaccine, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn, nhưng vẫn giúp mở lại các đường bay, di chuyển quốc tế.
“Bộ đang lên phương án nghiên cứu, trước hết là cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định. Bộ đã lên kế hoạch, kịch bản, song đây vẫn là phương án phải bàn rất kỹ vì còn phải cân bằng lợi ích và nguy cơ. Nguy cơ vẫn có thể lây nhiễm trong cộng đồng, đây là việc triển khai không đơn giản và phải làm từng bước”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến đề xuất về việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Theo Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), với nhiều chương trình tiêm vaccine đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách tái mở cửa biên giới theo cách an toàn.
Do đó, nếu “chậm chân”, Việt Nam sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế. Vì vậy TAB đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét làm thế nào để Việt Nam tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững. Cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại không phải cách ly. Tuy nhiên, bất kỳ sự mở cửa cho du lịch cần phải an toàn, có lộ trình.
"Chúng ta không nhập cuộc ngay chắc chắn sẽ mất thị phần khách quốc tế, bởi nhiều quốc gia sắp tới đồng loạt mở cửa trở lại. Tổng cục Du lịch xây dựng phương án, tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ và chờ lệnh từ Chính phủ. Chúng tôi xác định phải tiến hành thí điểm trên nhiều phương diện từ lựa chọn thị trường khách, quy trình đón khách, điểm đến an toàn cũng như lựa chọn doanh nghiệp đón khách quốc tế. Chúng tôi lấy ý kiến để xây dựng kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại từ tháng 7 tới, trình Chính phủ xem xét”, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Theo đó, Tổng cục cho biết, về thị trường, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan là những nơi được nhắm tới thí điểm đón khách dựa vào tiêu chí chống dịch tốt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, thỏa thuận song phương và chấp nhận kết quả chống dịch, tiêm vaccine từ hai phía.
Về hình thức, các chuyến bay chở khách quốc tế đều thuộc hình thức charter (thuê bao trọn gói) đảm bảo toàn bộ khách du lịch cùng đến một điểm để đảm bảo an toàn.
Tổng cục cũng cho biết, sẽ đề xuất lựa chọn một số doanh nghiệp đón khách quốc tế có quy mô, có năng lực tổ chức và tiềm lực kinh tế để đón, phục vụ khách, đồng thời đủ lực xoay xở trong trường hợp phát sinh tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều luồng ý kiến xoay quanh vấn đề “hộ chiếu vaccine” và mở cửa thị trường quốc tế. Trong đó, luồng ý kiến thứ nhất là ủng hộ việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” do nhu cầu giao thương, du lịch và phát triển kinh tế đặt ra cấp bách ở nước ta và các quốc gia khác. Thứ hai là ý kiến ủng hộ nhưng vẫn bắt buộc thêm yêu cầu cách ly 14 ngày. Luồng ý kiến thứ ba là hoàn toàn không chấp nhận mở cửa quốc tế cho tới khi chấm dứt dịch hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm
00:02, 06/05/2021
05:00, 01/05/2021
13:06, 13/04/2021
19:20, 31/03/2021
15:30, 25/03/2021
11:00, 25/03/2021