Thu phí người nuôi bệnh: Có hợp lý?

Sông Hàn 16/04/2019 11:00

Nhiều người bệnh nghèo hàng ngày phải nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện cung cấp các bữa ăn để đỡ bớt tốn kém… Nếu phải nộp thêm phí đối với người nuôi bệnh không hiểu họ sẽ xoay sở thế nào?

Mấy ngày qua, trên một trang Facebook xuất hiện đoạn clip dài gần 5 phút ghi lại cảnh nhiều người nhà bệnh nhân tỏ vẻ bức xúc trước việc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thu phí người nuôi bệnh. Theo đó, Bệnh viện quy định mỗi người nuôi bệnh nếu qua đêm phải đóng 30.000 đồng chi phí chỗ ngủ, nước sinh hoạt, điện…

Thực tế cho thấy, hiện nay chưa có một quy định nào về việc thu phí với thân nhân của các bệnh nhân vào chăm sóc, nhưng tại một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã thu loại phí này trong mấy tháng qua. Tuy nhiên, cũng có bệnh viện sau khi thu, do người dân phản ứng gay gắt nên đã tạm dừng.

Lý giải cho cái gọi là “phí thăm nuôi” này, một số lãnh đạo Bộ Y tế lại cho rằng, thu là cần thiết: “Việc thu này là cần thiết, hợp lý do người nhà bệnh nhân vào bệnh viện có sử dụng điện, nước, nhà vệ sinh nên cần thu để có nguồn kinh phí chi trả lương cho những người làm các dịch vụ đó trong bệnh viện và cũng để hạn chế kẻ gian lợi dụng, trà trộn vào bệnh viện ăn cắp tài sản của bệnh viện hoặc bệnh nhân” - ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực của Bộ Y tế nói.

Tương tự, Bác sĩ Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng cho biết: “Với các khoản phát sinh từ thân nhân người bệnh mà các bệnh viện đang phải gánh mỗi ngày, nếu không có nguồn thu bù đắp vào cũng rất khó cho các đơn vị.  Ở các bệnh viện công chi phí thu không cao nhưng lại phải chi một khoản tiền phục vụ phụ trợ, vấn đề an ninh trật tự... Do đó, việc thu “phí người đi nuôi bệnh” cần được hiểu là trách nhiệm cùng chia sẻ gánh nặng để chăm sóc người bệnh được tốt nhất”. 

Thế nhưng, có quá nhiều ý kiến phản ứng khi cho rằng có tình trạng “phí chồng lên phí” nên ngành y tế cần xem xét. Bởi vì, khi người dân ai có bệnh vào các bệnh viện thì đều đã phải trả viện phí, càng ngày càng cao. Người nhà của họ khi vào bệnh viện thường cũng đã phải trả một số loại phí như phí vệ sinh. Nếu thuê phòng dịch vụ riêng cho thân nhân của họ có bệnh phải nằm điều trị tại bệnh vện thường cũng phải trả mức phí khá cao…., thường cũng cao không kém thuê phòng khách sạn bên ngoài.

Trong khi, bệnh nhân khi nằm viện đã tốn kém đủ các chi phí. Rất nhiều người bệnh nghèo hàng ngày phải nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện cung cấp các bữa ăn để đỡ bớt tốn kém… Nay lại quy định thu phí đối với người nuôi bệnh thì không hiểu họ sẽ xoay sở thế nào?

Nói cách khác, hãy đặt mình vào vị trí của những bệnh nhân và những thân nhân nuôi bệnh nhân. Có ai muốn vào bệnh viện không? Có bệnh phải đi viện khám là chuyện chẳng đừng và bệnh nhân đã phải trả đủ thứ tiền rồi. Giờ các bệnh viện lại buộc cả thân nhân các bệnh nhân đóng phí là điều cần cân nhắc. Các nước càng phát triển, người dân càng sung sướng khi có nhiều dịch vụ, còn nước mình, cái gì cũng thu tiền.

Vì những lẽ đó, nếu muốn tiếp tục thu phí, các lãnh đạo bệnh viện cũng cần tận dụng đối thoại, họp hội đồng bệnh nhân để giải thích cho người bệnh hiểu, chia sẻ. Khi có sự đồng thuận cao thì triển khai chương trình, không nhận được sự ủng hộ thì nên dừng.

Vượt lên trên tất cả, mối quan hệ của bệnh nhân và y bác sĩ thường được ví “lương y như từ mẫu”, “từ mẫu” thì phải đặt mình vào mối quan hệ cho vay mà không cần phải trả, giúp mà không kể công… vì cái tình thân thiết của máu mủ nên cần đẩy lùi các hành vi tồn tại trong xã hội. Bác sĩ đừng bao giờ nên coi mình là người có quyền ban phát, ra mệnh lệnh, yêu cầu cho bất kỳ ai.

Lời thề Hippocrates chắc hẳn y bác sĩ nào cũng nhớ “Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại”, và đó mới là giá trị đích thực mà ngành y cần phải đi tìm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu phí người nuôi bệnh: Có hợp lý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO