Việc cơ quan bảo hiểm xã hội thu sai 4.240 các chủ hộ kinh doanh cá thể từ năm 2003 đến năm 2016 là một vụ scandal (vụ bê bối) lớn nhất từ trước đến nay.
>>Công ty "ma” luôn chủ động tìm đến người lao động
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội về việc cơ quan bảo hiểm xã hội thu sai 4.240 các chủ hộ kinh doanh cá thể tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, ngày 6/6.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, theo báo cáo của Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), việc cơ quan bảo hiểm xã hội thu sai 4.240 các chủ hộ kinh doanh cá thể từ năm 2003 đến năm 2016 là một vụ scandal (vụ bê bối) lớn nhất từ trước đến nay.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, Nhà nước, Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải quan tâm và giải quyết quyền lợi chính đáng của người lao động đã đóng bảo hiểm. “Hiện nay, đã có những trường hợp đã đóng từ 15 năm đến 20 năm, thậm chí có người đủ tuổi nghỉ hưu đáng ra phải được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhưng lại không được hưởng chế độ mà phải chờ giải quyết”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.
Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định. Chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà đánh giá, cần phải đặt quyền lợi chính đáng của người lao động lên trên hết là giải quyết chế độ cho người lao động. Đó là, trả lại tiền cho người lao động theo lãi suất và giải quyết chế độ hưu cho họ. Nếu chưa đến tuổi nghỉ hưu thì phải chuyển sang vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu được hưởng quyền lợi.
Trong trường hợp người lao động không đồng ý thì phải đảm bảo hài hoà lợi ích của người lao động và nhà nước bằng cách “ngồi lại” trao đổi với nhau để tính toán làm sao cho hợp lý. Đặc biệt, phải đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết, trước hết.
Với những đối tượng thu sai, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị tuỳ theo mức độ để có biện pháp thanh tra, kiểm tra xử lý về mặt hành chính. Trường hợp cố ý làm sai, làm trái hay gian dối thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. “Có thể đối tượng đó hiện vẫn đang làm việc trong cơ quan bảo hiểm hoặc đã nghỉ hưu thì cũng phải đưa ra xử lý nghiêm để làm gương”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
>>Chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện phải đóng, nhưng bảo hiểm vẫn “vui vẻ” thu
>>Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương.
Theo Bộ trưởng, việc thu sai này diễn ra từ năm 2003 đến 2016 và đã được phát hiện. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh, về cơ bản vấn đề này đã được giải quyết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.
“Đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng nêu rõ trong chương trình xây dựng pháp luật đã đề xuất đưa các chủ hộ kinh doanh cá thể vào nhóm đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Nếu được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết chất vấn Kỳ họp này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị giao Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.
Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động, tính lãi ít nhất bằng tăng trưởng của Quỹ Bảo hiểm.
Tham gia giải trình làm rõ thêm về nội dung trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003 thực hiện chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội. Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016, đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn.
Bộ trưởng cho rằng, việc thu trên về bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên. Các nhân viên được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai, nên không được nộp bảo hiểm.
Theo Bộ trưởng Tài chính, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng. Bộ trưởng cho biết, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Có thể bạn quan tâm
01:23, 06/06/2023
00:06, 05/06/2023
11:05, 02/06/2023
21:30, 01/06/2023