Ông Lê Hùng Dũng ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm sang chuyên canh trồng thanh long ruột đỏ, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thế mạnh của thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) là hành tím và tôm. Nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết cùng với giá cả bấp bênh nên nhiều nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lê Hùng Dũng ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm sang chuyên canh trồng thanh long ruột đỏ, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nếu có dịp đến tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lê Hùng Dũng, ít ai ngờ ở vùng đất bị nhiễm mặn quanh năm này mà cây thanh long ruột đỏ lại sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhìn vườn thanh long ruột đỏ được trồng một cách khoa học, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2,7m thẳng tắp, bắt mắt đã chứng minh cho quyết định “mạo hiểm” của ông Lê Hùng Dũng là đúng hướng...
Thành công với mô hình nên người dân địa phương thường gọi ông Lê Hùng Dũng với cái tên trìu mến “vua thanh long”. Ông Lê Hùng Dũng chia sẻ: “Ở vùng đất này từ trước tới giờ chủ yếu nuôi tôm, gia đình tôi có 3ha nuôi tôm nhưng năm được mùa, năm mất mùa. Trước đây, tôi cũng tận dụng bờ bao trồng đủ các loại cây ăn trái nhưng thấy không cây nào phù hợp. Năm 2011, tôi bắt đầu chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm sang trồng thanh long ruột đỏ...".
Lúc đầu, ông Lê Hùng Dũng chỉ trồng thử 250 gốc giống Long Định 1 mua từ Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam. Đây là giống thanh long xuất khẩu và được thị trường rất ưa chuộng. Sau 2 năm thấy thanh long phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông chuyển toàn bộ diện tích đất nuôi tôm sang trồng thanh long ruột đỏ..
Hiện tại, gia đình ông Lê Hùng Dũng có khoảng 3.000 gốc thanh long ruột đỏ. Nhờ chịu khó đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình hiệu quả ở các tỉnh lân cận và tìm hiểu kỹ thuật qua internet, trên tivi, sách báo nên mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Theo ông Lê Hùng Dũng, thanh long ruột đỏ không khó trồng, để đạt năng suất, sản lượng cao, mẫu mã đẹp thì trước khi trồng, chú bón hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh, khi thanh long đang cho trái kết hợp bón phân NPK và phân chuồng ủ hoai mục để giúp đất tơi xốp. Thường xuyên cắt tỉa những tược nhỏ chỉ để tược chính mọc trên đầu trụ để trái thanh long to, đẹp. Thanh long trồng khoảng 8 tháng là cho trái nhưng ở giai đoạn này cây còn nhỏ nên không để nhiều trái vì cây phát triển chưa ổn định. Hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên để tạo quả, đặc tính này là một trong những ưu điểm ở thanh long ruột đỏ Long Định 1.
Cũng theo thông tin từ ông Lê Hùng Dũng, khi thanh long trồng được khoảng 1 năm tuổi trở lên cho trái khá, nhưng từ 2 năm đến 3 năm thanh long bắt đầu cho sản lượng cao, ổn định. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên sản lượng những cây thanh long của gia đình ông Lê Hùng Dũng từ 3 năm tuổi trở lên bình quân thu hoạch khoảng 40 tấn đến 50 tấn trái/ha/năm...
Theo ông Lê Hùng Dũng, nếu mùa thuận (mùa mưa) thì thanh long cho trái liên tục, còn mùa nghịch thì ít trái hơn nhưng bán lại được giá. Để tránh thu hoạch đúng lúc thanh long dội chợ mất giá, ông áp dụng kỹ thuật xông đèn để thanh long cho thu hoạch trái vụ, bán được giá, hiệu quả kinh tế cao.
Trước nhu cầu và hiệu quả kinh tế cao từ mô hình thanh long ruột đỏ, ông Lê Hùng Dũng còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, phân bón cho nhiều bà con địa phương để phát triển mở rộng mô hình, giúp bà con tăng thu nhập. Hiện tại ông tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng/người.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Lê Hùng Dũng thường xuyên bị đứt quãng bởi những cú điện thoại của khách hàng đặt mua thanh long.
Dứt điện thoại, ông Lê Hùng Dũng tiếp lời: “Khi mới trồng tôi cũng phải gian nan tìm kiếm đầu ra khắp các tỉnh miền Tây. Bây giờ thì ổn rồi, khi thanh long gần chín thì thương lái ở các tỉnh: Long An, Vĩnh Long thường xuyên điện xuống để báo giá đặt hàng, với giá dao động từ 40.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg. Nếu ở mức giá này thì hiệu quả kinh tế của thanh long ruột đỏ gấp 2 lần đến 3 lần so với thanh long ruột trắng”.
Ông Trà Nol - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải cho biết: “Từ hiệu quả kinh tế của mô hình thanh long ruột đỏ của anh Dũng, hiện toàn xã nhân rộng ra 5 hộ trồng, với diện tích 7ha. Để tạo điều kiện cho bà con có vốn sản xuất, chúng tôi đang đề xuất với hội cấp trên hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mở rộng mô hình”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Trường - Trưởng Phòng kinh tế TX. Vĩnh Châu cho biết: “Cây thanh long ruột đỏ tuy mới phát triển nhưng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, góp phần chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao...".
Theo ông Lê Minh Trường, ttính đến thời điểm này, đầu ra của trái thanh long ruột đỏ luôn ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác. Qua so sánh thì thấy trái thanh long ruột đỏ ở TX. Vĩnh Châu chất lượng và có mùi vị thơm ngon hơn các nơi khác. Hướng tới, TX. Vĩnh Châu sẽ thành lập Hợp tác xã trồng thanh long ruột đỏ và từng bước đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để tạo thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con...
Tựa bài do enternews đặt lại