Chính trị - Xã hội

Thủ tướng: Chúng ta đã “biến không thành có” các dự án cao tốc vùng ĐBSCL

Nguyễn Việt 16/10/2024 14:45

Sau thời gian 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, chúng ta đã “biến không thành có, biến cái không thể thành có thể”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 16/10.

thủ tướng 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tinh thần Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đó là: "Tăng tốc, bứt phá, tập trung cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phân cấp, phân quyền tối đa cho các bộ ngành, địa phương. Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương thụ hưởng, và chỉ bàn làm, không bàn lùi".

"Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết "Chống lãng phí", nếu các dự án kéo dài, đội vốn thì sẽ gây lãng phí”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã họp 14 phiên, ban hành 14 văn bản kết luận. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 400 văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc triển khai các dự án cao tốc.

Riêng đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp 5 lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong vùng, nhiều lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.

"Sau thời gian 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, kết quả bước đầu đến nay cho thấy chúng ta đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể. Từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực, nhiều đoạn tuyến, cây cầu đã hoàn thành. Từ không có tiền đến có đủ tiền. Từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.

Theo quy hoạch được phê duyệt, khu vực khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng gần 1.200 km. Trước nhiệm kỳ này, toàn vùng chỉ có 39 km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Với sự quyết liệt của Trung ương và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét.

Đến nay, toàn vùng có 120 km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác, có 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và đang phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025, có 215 km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư, bao gồm Đức Hòa-Mỹ An (74 km), Mỹ An-Cao Lãnh (26 km), Hà Tiên-Rạch Giá (100 km), cầu Cần Thơ 2 (15 km).

"Việc triển khai các dự án là nhiệm vụ chính trị, là đòi hỏi của trái tim, là trông đợi của nhân dân vùng ĐBSCL", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn trong tổ chức thực hiện, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn.

thủ tướng 2
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt. Thứ nhất, giao thông vận tải phải thông suốt, đi trước mở đường.

Thứ hai, chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí.

Thứ ba, bàn để quyết chứ không bàn để đấy, đã bàn, đã quyết là phải làm, đã làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các các dự án.

Hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc". Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng ĐBSCL và đến năm 2030 có khoảng 1.200 km.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, chủ tịch UBND các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo, phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm nêu trên trong triển khai các dự án.

“Trong đó, phải có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm và đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm 3 vấn đề tiếp tục còn vướng mắc. Đó là, giải phóng mặt bằng, di dời đường điện cao thế, cung ứng vật liệu như cát, đá, sỏi…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Thông báo kết luận số 335/TB-VPCP ngày 19/7/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng: Chúng ta đã “biến không thành có” các dự án cao tốc vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO