Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết chính sách mới sẽ giảm dần số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, hướng tới xuống còn 15 năm và có thể là 10 năm.
>>THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI CÔNG NHÂN: Lấy mục tiêu con người là trung tâm, động lực cho phát triển
Sáng nay (12/6) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 62 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, sinh năm 1982, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi tới chương trình: "Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu. Trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi chúng cháu mới 40 - 45 tuổi. Cháu đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút".
Với câu hỏi này, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội trả lời, giải đáp tâm tư của người lao động. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, hoạt động giữa Bộ LĐTBXH với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn. Những công việc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan tới công nhân, người lao động, Bộ LĐTBXH xác định đây là trách nhiệm của chính mình.
Bộ trưởng Dung chia sẻ, ngày hôm qua, các thành viên Chính phủ đã trực tiếp bỏ phiếu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng.
Đáp lại thắc mắc của người lao động liên quan tới việc rút bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta có 55 triệu lao động trong đó có 20 triệu người lao động có giao kết hợp đồng lao động.
Ông cho biết, 15 năm qua là quá trình phát triển bảo hiểm xã hội ở Việt Nam là một thành tích đáng nể. Tuy nhiên, trong quý 1, quý 2 vừa qua có tình trạng một tỉ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Điều này không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.
>>THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI CÔNG NHÂN: Định hướng hoàn thiện chính sách với công nhân và tổ chức công đoàn
Để tránh tình trạng rút BHXH một lần, Bộ trưởng Dung cho rằng, trước tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động. Cùng với đó, ông Dung cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH chủ trì, sửa đổi Luật BHXH phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, Bộ đã tiếp thu, tổng hợp 11 nhóm chính sách để đổi mới, theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, có nhóm chính sách về giảm dần thời gian đóng BHXH để người lao động theo được quá trình đóng BHXH. Theo đó, dự kiến thời gian đóng BHXH rút xuống còn 15 năm (trước đây là 20 năm) và tiến tới còn đóng BHXH 10 năm.
Nhóm chính sách tiếp theo đó là tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH. Có những cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia BHXH. Cùng với đó, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn để mua bán sổ BHXH của người lao động.
Bộ trưởng Dung cũng thông tin thêm, cho đến nay, tình trạng rút BHXH một lần đã giảm đi đáng kể so với quý 1/2022.
Bổ sung phần trả lời về BHXH, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Vừa qua, pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế.
Đồng thời, chúng ta phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định, kể cả những quy định chưa phù hợp thì chúng ta tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, mở rộng dần.
Có thể bạn quan tâm
THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI CÔNG NHÂN: Lấy mục tiêu con người là trung tâm, động lực cho phát triển
10:25, 12/06/2022
THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI CÔNG NHÂN: Định hướng hoàn thiện chính sách với công nhân và tổ chức công đoàn
10:01, 12/06/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022
09:35, 12/06/2022
THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI CÔNG NHÂN: "Nóng" chuyện tiền lương, nhà ở, chính sách bảo hiểm
09:00, 12/06/2022