Thủ tướng đồng ý đầu tư cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng theo hình thức đối tác công - tư.

Diendandoanhnghiep.vn Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng chiều qua, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng theo hình thức đối tác công - tư.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt bởi những dãy núi cao, sông suối, Cao Bằng gặp trở ngại lớn trong phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề giao thông. Năm 2018, tỉnh Cao Bằng ước tính tăng trưởng GDP đạt khoảng 7%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 25 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt trên 1.700 tỷ đồng.  

Là địa phương có lợi thế về mặt địa lý nằm trên lộ trình gần nhất kết nối phía tây Trung Quốc và các nước ASEAN, có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Tuy thế nhưng do hệ thống kết cấu hạ tầng khó khăn nên trở thành điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là chia sẻ từ đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Tại cuộc làm việc chiều 24/11, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã nêu kiến nghị, đề xuất đầu tiên với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn (tuyến Trà Lĩnh – Đồng Đăng). Đây là dự án được coi là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. 

Tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng đến Trà Lĩnh được Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2016 nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu không chỉ đối với tỉnh Cao Bằng mà còn cho các địa phương trong vùng. Theo đó, tuyến cao tốc này chỉ còn dài 115 km, với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với dự kiến ban đầu. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2022 sẽ chỉ đầu tư 2 làn xe theo mô hình đối tác công - tư. Sau đó sẽ đầu tư lên 4 làn xe. Nếu được xây dựng từ năm sau, quãng đường từ Hà Nội lên Cao Bằng qua tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn rồi đến Cao Bằng sẽ rút ngắn được 50 km so với tuyến từ Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng với 6 -7 giờ đi ô tô như hiện nay.

Tuyến cao tốc này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh có 333 km đường biên giới với Trung Quốc mà còn góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây còn là tiền đề quan trọng để hình thành tuyến vận tải quốc tế mới từ Hải Phòng qua Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh của Cao Bằng. Rồi từ đó, kết nối sang cửa khẩu Long Bang đi vào tỉnh Tây và Tây Nam của Trung Quốc và có thể đến châu Âu.

Từ hiệu quả rất lớn của tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến cao tốc từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đến Trà Lĩnh, Cao Bằng từ năm 2019 đến 2025 theo hình thức đầu tư đối tác công - tư.

Từ tuyến đường cao tốc sắp được xây dựng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cao Bằng phải nghiên cứu để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới chính ngạch với Trung Quốc. Bởi trong 2 năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu giữa Cao Bằng với Quảng Tây đã đạt gần 3 tỷ USD. Biên mậu phát triển đã giúp tỉnh này có số thu ngân sách hiện này đạt 1.800 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cách đây 8 năm và bảo đảm trang trải 15% nhu cầu chi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh VGP-Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. (Ảnh VGP/Quang Hiếu)

Thủ tướng cũng nhìn nhận, Cao Bằng vẫn là địa phương thuộc diện khó khăn nhất cả nước, thu ngân sách chỉ đạt đảm bảo 15% tổng chi, còn lại là hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, số lượng huyện nghèo nhiều nhất cả nước. Lo lắng trước thực trạng số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại Cao Bằng còn lớn, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần tập trung các giải pháp khắc phục vấn đề này theo hướng đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. 

Thủ tướng đề nghị Cao Bằng phát huy tính chủ động của địa phương với sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương trong phát triển kinh tế xã hội. Chia sẻ trăn trở, khó khăn đối với sự phát triển của Cao Bằng, một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 cả nước, có nhiều huyện nghèo, nhiều xã đặc biệt khó khăn nhất cả nước, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung khắc phục các tồn tại, bất cập như quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân còn thấp, số lượng doanh nghiệp còn ít…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh, Cao Bằng cần tập trung vào một số hướng quan trọng, đó là dịch vụ, du lịch; kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến sâu và ứng dụng công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu.

Tỉnh cần chú trọng tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo mô hình hữu cơ, sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành; phát triển thương hiệu nông sản để nâng tầm giá trị. Cao Bằng phải phấn đấu thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng để xuất khẩu là hướng đi quan trọng. Cao Bằng có biện pháp tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy người dân, khắc phục thói quen buôn bán, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; đẩy mạnh phát động khởi nghiệp trong nhân dân; “kiên quyết đẩy lùi tư duy tiểu nông, ngại làm lớn, sợ rủi ro”, Thủ tướng nói. 
Theo Thủ tướng, du lịch cần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng. Trong đó, du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái, địa hình được khai thác trên sự tương tác bền vững với các yếu tố độc đáo của Cao Bằng. Gắn du lịch với ẩm thực và đặc sản địa phương. Tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền quảng bá hình ảnh công viên địa chất toàn cầu ở đây để mọi người biết và tới chiêm ngưỡng di sản đặc biệt này.

Với lợi thế nằm trên trục giao thương và có các cụm cửa khẩu với nước bạn, bên cạnh tăng cường nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, Cao Bằng cần thúc đẩy đầu tư vào dịch vụ logistics để thúc đẩy và nâng cao giá trị xuất khẩu. 

“Bên cạnh hạ tầng cứng được Nhà nước quan tâm, chúng ta cần bồi đắp, phát huy nguồn lực mềm, các yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ, công chức, sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, chất lượng quản trị Nhà nước, khả năng kết nối thông tin, phổ cập internet. Cao Bằng hay các tỉnh miền núi của chúng ta nói chung không được đứng ngoài lề các xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng khẳng định, nhất trí về mặt chủ trương triển khai dự án quan trọng này. Về hướng đầu tư, Thủ tướng đề nghị cần có cơ cấu nguồn vốn hợp lý. Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có phương án hợp vốn các ngân hàng thương mại để cung cấp vốn cho dự án.

Buổi làm việc trong ngày của Thủ tướng cũng nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 diễn ra vào ngày 25/11 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đây là cơ hội để tỉnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh đến với bạn bè gần xa, các nhà đầu tư về một Cao Bằng giàu truyền thống cách mạng, đang nỗ lực vươn lên, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh phát triển và hội nhập. Đồng thời, đây cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng đồng ý đầu tư cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng theo hình thức đối tác công - tư. tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711671250 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711671250 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10