Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ có nhiều chính sách mới về chuyển đổi số, kinh tế số, sớm cấp phép mobile money cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ có nhiều chính sách mới về chuyển đổi số, kinh tế số…cũng như chính sách giảm cước khoảng 10.000 tỷ đồng; miễn trừ 3-6 tháng cước viễn thông.
“Sẽ có hạ tầng số tốt hơn thời gian tới. Đồng thời, sẽ sớm cấp phép mobile money cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh. Đồng thời cho biết đã thống nhất một app phòng chống dịch trên toàn quốc.
Trên thực tế, Mobile money - Thanh toán di động đã nổi lên như một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng dành cho các nhà mạng tại Việt Nam.
Trên thế giới, Mobile money đã có mặt từ lâu. Tại Nhật Bản, khoảng 30% thuê bao di động sử dụng Mobile money thanh toán ngoài viễn thông. Với Trung Quốc, thanh toán điện tử được phát triển dựa trên sự phổ cập của mạng xã hội và thương mại điện tử.
Khác với ví điện tử, người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng Mobile money. Tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile money) trong thời gian hai năm. Quyết định này bật đèn xanh để các nhà mạng có thể triển khai dịch vụ Mobile money của riêng mình.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông, Viettel đã thí điểm thu phí đỗ xe ô tô qua hình thức thanh toán điện tử tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Kết quả thí điểm thu được: Tỷ lệ người dùng tài khoản ngân hàng viễn thông là 94% so với 6% sử dụng tài khoản ngân hàng.
VinaPhone cũng đang trong thời gian thí điểm 2 năm dịch vụ này tại Việt Nam từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2023. Hiện tại, đối tượng được sử dụng Mobile money là các cán bộ, nhân viên của VNPT, VinaPhone. Trong tương lai gần, dịch vụ Mobile money sẽ được mở rộng cho tất cả các thuê bao VinaPhone.
Đối với MobiFone, nhà mạng này cũng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile money gửi tới Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông và các Bộ có liên quan thẩm định phê duyệt, đồng thời đang triển khai thử nghiệm hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho dịch vụ Mobile money.
Về hạ tầng nền tảng số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đã là nền tảng số thì phải là dùng chung toàn ngành, toàn quốc; và ứng dụng số thì phải là 100% người dùng. Đã là nền tảng số, ứng dụng số thì người thực thi mà không sử dụng thì không thể làm việc được.
Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tình huống để ứng phó với Covid mà còn là một giải pháp lâu dài, có tính chiến lược. Ứng dụng công nghệ số để chống dịch phải là khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ số lâu dài trong phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của các đơn vị, các địa phương.
Hơn nữa, để đi đến đích cuối cùng thì có thể phải đi qua các mục tiêu trung gian. Nhưng có nhiều con đường để đi đến đích cuối cùng. Nếu làm không khéo trong việc đặt ra các mục tiêu trung gian thì có thể hoặc là làm mất đi sự sáng tạo của người làm, hoặc là làm quên đi mục tiêu cuối cùng.
Được biết, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành quyết định về việc kiện toàn và đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Cùng với việc có tên gọi mới là Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Ủy ban này cũng được Thủ tướng kiện toàn gồm 16 thành viên, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực là Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực TT&TT; Bộ trưởng Bộ TT&TT làm Phó Chủ tịch.
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng và giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban cũng có nhiệm vụ giúp Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; điều phối việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Được phê duyệt tháng 6/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
11:35, 26/09/2021
11:30, 26/09/2021
11:25, 26/09/2021
11:20, 26/09/2021
11:15, 26/09/2021
11:10, 26/09/2021
10:55, 26/09/2021
10:45, 26/09/2021
10:35, 26/09/2021
10:30, 26/09/2021
10:15, 26/09/2021
10:00, 26/09/2021
09:45, 26/09/2021
09:40, 26/09/2021