Những tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, đồng thời khẳng định chiến lược dài hạn của Việt Nam trước thách thức và cơ hội.
Trong phiên thảo luận tổ ngày 14/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những nhận định quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định mục tiêu tăng trưởng cao và nhấn mạnh hàng loạt giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Trước ý kiến đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% do ảnh hưởng của bão Yagi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lập trường vững vàng: “Phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, chứ không phải đặt mục tiêu thấp cho dễ đạt”. Đây không chỉ là lời khẳng định về ý chí quyết tâm của Chính phủ mà còn thể hiện sự kiên định trong chiến lược phát triển quốc gia.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải cao hơn, ít nhất 8%, nhằm hướng tới các cột mốc quan trọng vào năm 2030 và 2045. Thừa nhận đây là thách thức lớn, Thủ tướng kêu gọi toàn bộ hệ thống, từ các ngành, địa phương đến doanh nghiệp, cùng hành động quyết liệt: “Khó mấy cũng phải làm”.
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh việc mở rộng không gian sáng tạo cho các bộ, ngành và doanh nghiệp, đồng thời đề xuất thúc đẩy tín dụng tăng trưởng cao đi đôi với chính sách tài khóa linh hoạt. Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng cần chấp nhận lạm phát cao hơn một chút để tạo điều kiện cho dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ hơn vào sản xuất, kinh doanh. “Muốn thúc đẩy tăng trưởng, phải chấp nhận nới lạm phát”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề nợ công, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang kiểm soát tốt và không nên e ngại việc vay nếu có khả năng trả. “Nợ mà làm tốt, trả được thì không việc gì phải lo”, Thủ tướng nói, đồng thời đề xuất nới giới hạn vay để đầu tư hạ tầng, nhất là trong bối cảnh triển khai hàng loạt dự án lớn với tổng vốn đầu tư công năm nay khoảng 800.000 tỉ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dư nợ tín dụng hiện đạt 14,7 triệu tỉ đồng và cần được đưa vào nền kinh tế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tái khẳng định ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, với tinh thần “vướng đâu gỡ đó, vướng lúc nào gỡ lúc đó”.
Với phương châm “vướng đâu gỡ đó, vướng lúc nào gỡ lúc đó”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục tái khẳng định ba đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, hạ tầng là một trọng tâm quan trọng, với loạt dự án chiến lược như đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Ông nhấn mạnh đây là thời điểm cần đẩy nhanh tiến độ: “Trước đây chưa có điều kiện, giờ có rồi thì phải làm nhanh”.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, với các dự án lớn như tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và đảm bảo nguồn vốn hợp lý là điều kiện tiên quyết. Đặc biệt, ông chỉ ra sự cần thiết của các cơ chế đặc thù để triển khai nhanh chóng, tránh kéo dài và đội vốn không cần thiết. “Nếu cứ đấu thầu tư vấn, thiết kế, giám sát sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi người làm tốt đều đã biết rõ. Cần cơ chế đặc thù để triển khai nhanh, tránh kéo dài, đội vốn”, Thủ tướng nhấn mạnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ và các địa phương đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng, trong đó có đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Thủ tướng mong Quốc hội quan tâm, ủng hộ để tạo điều kiện triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yếu tố con người, cho rằng phát triển nhân lực chất lượng cao là nhân tố then chốt trong chiến lược tăng trưởng dài hạn. Thủ tướng kêu gọi đồng thời đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực mới như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cho biết Chính phủ và Quốc hội đã khẩn trương thể chế hóa, làm việc liên tục để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn. “Chúng ta phải dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, một trong những điểm nhấn quan trọng khác trong bài phát biểu của Thủ tướng là nguyên tắc tập trung nguồn lực trong đầu tư công. Nếu trước đây mỗi nhiệm kỳ có khoảng 10.000 dự án đầu tư công, thì nhiệm kỳ vừa qua đã giảm xuống còn 5.000 và tới đây sẽ chỉ dưới 3.000 dự án. “Như vậy mới có tiền để làm các dự án lớn”, Thủ tướng khẳng định. Điều này cho thấy sự thay đổi tư duy quản lý đầu tư công: thay vì dàn trải, ưu tiên các dự án thực sự có tác động lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận tổ không chỉ mang tính định hướng mà còn thể hiện tinh thần hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn, kết hợp với chính sách linh hoạt về tài khóa, tiền tệ, đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực cho thấy quyết tâm đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững.
Có thể khẳng định, tư duy táo bạo nhưng thực tiễn của người đứng đầu Chính phủ chính là động lực để Việt Nam vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và vững bước trên con đường trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045.