Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt hiện thực "mục tiêu kép"

THY HẰNG 05/05/2021 18:06

Nhận định còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hiện thực "mục tiêu kép".

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và bốn tháng qua tiếp tục phát triển tốt có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực: xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư; kiểm soát lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm và cải thiện; tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ năm 2020, thể hiện sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.

Tháo gỡ nguồn lực đầu tư

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chúng ta đối mặt rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp toàn bộ lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta. Chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa chưa thực sự yên tâm.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian vừa qua có nổi lên hiện tượng “sốt” đất, biến động thị trường chứng khoán. Chúng ta đã tuyên truyền, định hướng, cung cấp thông tin liên quan các vấn đề này. Nhân dân tin tưởng và ủng hộ vào sự điều hành của Chính phủ.

Khó khăn nữa là các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa giải pháp được đáng kể như vấn đề 12 dự án thua lỗ ngành công thương cơ bản chưa giải quyết được, “bí” đầu ra. Chúng ta phải quyết tâm giải quyết, chọn một vài dự án để làm dần, vừa làm, vừa mở rộng, rút kinh nghiệm. Nếu không để càng ngày càng mất tiền. Đây là vấn đề hết sức khó khăn; các dự án càng để càng thua lỗ, do đó phải tập trung sức giải quyết. Sự chồng chéo về thể chế pháp luật, các luật đang có sự xung đột lẫn nhau, cản trở nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tình hình đầu tư công có chuyển biến nhưng so yêu cầu, nguồn vốn được phân bổ thì tiến độ giải ngân còn chậm. An sinh xã hội thì một bộ phần người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, một số đối tượng yếu thế bị tác động bởi dịch Covid-19. Tình hình an ninh trật tự nổi lên vấn đề xuất nhập cảnh trái phép. Do đó, Bộ Công an phải tiếp tục rà soát, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các thành viên Chính phủ phải nhận thức rõ vấn đề này để thấy rõ vai trò, trách nhiệm, trên cơ sở chức năng, quyền hạn của từng bộ, ngành để cùng với Chính phủ làm tốt hơn nữa công tác.

Thủ tướng nêu rõ, tình hình tháng 5 theo dự báo có nhiều khó khăn, chúng ta phải đối mặt trực tiếp, nhất là dịch Covid-19. Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung những việc sau:

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những vấn đề ưu tiên, để tháo gỡ nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước hiện nay. Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong công tác quản lý nhà nước, tăng phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm. Các cơ quan của Chính phủ tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực quản lý nhà nước, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. Các bộ, ngành phải phối hợp cùng tháo gỡ cơ chế, chính sách, tăng cường phân cấp, phân quyền; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu có chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp thực tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần tập trung giải quyết. Tích cực tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho đất nước.

Tập trung khắc phục xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài. “Chúng ta không thể né tránh mà phải tập trung xử lý, nhưng phải xem xét về mặt chủ trương đã đúng chưa? Nếu đúng thì khâu tổ chức thực hiện là do ai? Nếu chủ trương chưa đúng thì phải phân tích, đánh giá kỹ để đề xuất cách giải quyết. Chúng ta phải lựa chọn một trong các phương án tốt nhất trong các phương án có thể, khó mà có phương án tối ưu, do đó công tác phải nhìn thẳng vào sự thật và phải đối mặt sự thật để giải quyết…” Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp cụ thể bằng trách nhiệm trong việc thúc đẩy giải ngân, không để tồn đọng. Nếu giải ngân không tốt thì ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội. Phải thúc đẩy giải ngân nhưng đồng thời phải bảo đảm tiến độ và chất lượng, chống tiêu cực và lãng phí, tham ô tham nhũng.

Về giải ngân của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng đề nghị khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các dự án giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các khu vực kinh tế trọng điểm. Tháo gỡ các nguồn lực và quyết tâm đầu tư ở khu vực này.

“Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước là không đủ, không có khả năng giải quyết, vì nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông là rất lớn, trong khi 5 năm tới phải đầu tư 2.000 km đường cao tốc nữa. Do đó, chúng ta phải phân tích rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó mới có giải pháp để xây dựng 2.000 km đường cao tốc trong 5 năm nữa”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnhp/Thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho đất nước.

Các thành viên Chính phủ phải góp sức cùng Bộ Giao thông vận tải, mạnh dạn, điều chỉnh lại tư duy cách làm, huy động nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp, tư nhân. Lấy vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Tìm ra trọng tâm, trọng trọng điểm trên các nút thắt để tháo gỡ; ưu tiên về cơ chế, chính sách. Việc này cần có sự đồng lòng, giúp sức của các thành viên Chính phủ. Tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo đảm tốt các điều kiện cho tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia an toàn, thuận lợi cho học sinh.

Chống dịch hài hoà giữa phòng ngự và tấn công

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19. Thủ tướng cho rằng, phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống đựa trên thực tiễn.

Đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.  

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. Tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã”.

Đúc rút kinh nghiệm hay và bài học quý qua các đợt chống dịch vừa qua để kế thừa, phát huy những cái tốt, những cái gì đã làm được nhưng phải đổi mới cho phù hợp với tình hình mới về công tác phòng chống dịch.

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là “5K+ vaccine” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tăng cường thông tin truyền thông trung thực, khách quan, đúng bản chất về công tác phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả đã đạt được để nhân dân biết, yên tâm và tích cực tham gia trong phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh xảy ra.

“Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19”, Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch.

Đối với Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ban hành ngày 9-4-2020, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện như thế nào thì được hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng…; thảo luận và công bố công khai, áp dụng thực hiện. Để thực hiện điều này, các bộ, ngành cầng hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chúng ta áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 thì ảnh hưởng một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là những người bị yếu thế, do đó chúng ta phải bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Gam màu sáng của bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm

    14:00, 05/05/2021

  • Chuyên gia ADB nêu những lưu ý cho nền kinh tế Việt Nam

    03:00, 04/05/2021

  • KINH TẾ CUỐI TUẦN: Giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế

    13:00, 02/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt hiện thực "mục tiêu kép"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO