Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thu hồi vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 và năm 2016 của Dự án hầm Đèo Cả.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng trong tổng số 4.958 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải phân bổ cho Dự án hầm Đèo Cả (BT hầm Cổ Mã và kinh phí giải phóng mặt bằng).
Có thể bạn quan tâm
09:09, 08/12/2017
15:57, 13/10/2017
14:37, 21/08/2017
22:41, 23/01/2017
Trong số vốn thu hồi, có hơn 716,4 tỷ đồng trong tổng số trên 4.249 tỷ đồng đã được giao kế hoạch năm 2016 để bố trí cho Dự án hầm Đèo Cả đã được giao kế hoạch năm 2016 và 463,5 tỷ đồng chưa giao kế hoạch hằng năm.
Chính phủ yêu cầu số vốn trái phiếu Chính phủ thu hồi nêu trên đưa vào nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 439/NQ-UBTVQH14 ngày 30/10/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thu hồi số vốn trái phiếu Chính phủ đã giao kế hoạch năm 2016.
Bộ Giao thông vận tải hoàn trả số vốn trái phiếu Chính phủ đã giao kế hoạch năm 2016 (bao gồm số vốn trái phiếu Chính phủ chưa giải ngân và số vốn trái phiếu Chính phủ đã chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư hạng mục hầm đèo Cù Mông, hầm đường bộ Hải Vân) về ngân sách Trung ương.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thực hiện rà soát các trạm thu giá dịch vụ, mức giá dịch vụ và tính toán lại hiệu quả tài chính của Dự án hầm Đèo Cả theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác đối với các thông tin, số liệu báo cáo về Dự án hầm Đèo Cả.
Được biết, mới đầu, dự án này được phê duyệt triển khai theo hình thức BT phần hầm đèo Cổ Mã, BOT hầm Đèo Cả, nhưng sau đó được Thủ tướng đồng ý cho chuyển toàn bộ dự án sang hình thức BOT.
Liên quan đến dự án hầm đường bộ đèo cả, trả lời trên tờ Tuổi Trẻ, ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư dự án cho biết, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ mà Bộ Giao thông Vận tải cấp cho dự án này là 5.000 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 3.900 tỉ đồng.
Ông Hoàng cũng thông tin không rõ thủ tục giải ngân số vốn trên như thế nào để dẫn đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải thu hồi số vốn 1.180 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ cấp cho dự án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Bộ Giao thông - Vận tải phải có trách nhiệm giao cho chủ đầu tư đủ 5.000 tỉ đồng của dự án.
Theo ông Hoàng, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thu hồi số vốn nêu trên không ảnh hưởng đến dự án hầm đường bộ đèo Cả vì dự án này đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhưng ảnh hưởng đến các dự án hầm đèo Hải Vân và hầm đèo Cù Mông mà Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đang tiếp tục triển khai.
Theo công bố của chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án này là 15.600 tỉ đồng, nhưng quá trình triển khai, nhà đầu tư đã lựa chọn hướng tuyến, giảm chiều dài 2 đường hầm từ 5,7km xuống còn 4,1km nên tiết kiệm được 4.200 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trước đó, Kiểm Toán nhà nước đã từng công bố báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa) thực hiện từ ngày 3/10/2016 đến 1/12/2016.
Theo kết quả kiểm toán, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư còn chưa hợp lý đã làm tăng tổng mức đầu tư lên 3,87 tỉ đồng. Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán chất lượng chưa cao, còn tính toán sai khối lượng so với thiết kế kỹ thuật, áp dụng sai định mức, đơn giá và sai khác làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu trên 42,7 tỉ đồng.
Công tác quản lý chi phí vẫn còn những tồn tại như thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá, định mức, sai khác dẫn đến kết quả kiểm toán giảm trừ chi phí với giá trị gần 31,4 tỉ đồng.
Hầm đường bộ qua Đèo Cả trên quốc lộ 1 nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có tổng chiều dài dự án 13,19km, trong đó, hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m. Dự án đã đưa vào hoạt động đầu tháng 9-2017 sau 6 năm thi công.
Theo công bố của chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án này là 15.600 tỉ đồng, nhưng quá trình triển khai, nhà đầu tư đã lựa chọn hướng tuyến, giảm chiều dài 2 đường hầm từ 5,7km xuống còn 4,1km nên tiết kiệm được 4.200 tỉ đồng.
Số vốn tiết kiệm này được chuyển sang xây dựng hầm đèo Cù Mông nằm trên quốc lộ 1 giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.