Vấn đề mấu chốt trong việc thực hiện bình đẳng giới chính là tư duy của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Để bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới, doanh nghiệp cần lồng ghép các nội dung bình đẳng giới tại nơi làm việc trong tất cả các chính sách hoạt động sản xuất –kinh doanh.Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử sẽ là yêu cầu ngày càng thách thức hơn đối với các doanh nghiệp. Bộ Luật Lao động sửa đổi cũng đã đưa vấn đề này ra để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Yếu tố then chốt nâng cao năng suất lao động
Theo báo cáo phát triển con người năm 2016, tình trạng bất bình đẳng giới của Việt Nam đã được cải thiện nhanh với chỉ số phát triển giới (GDI) thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm (188 quốc gia). Tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất. Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định trên dưới 48%.
Tuy vậy, phụ nữ Việt vẫn chịu nhiều bất bình đẳng, mức lương thấp hơn 12% so với các đồng nghiệp nam. Cùng với đó, nhiều công việc còn giữ quy định không cho lao động nữ tham gia.
Do đó, Bộ Luật Lao động năm 2012 hiện đang trong quá trình sửa đổi bổ sung cũng đặt vấn đề bình đẳng giới là nội dung quan trọng được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tốt hơn sự thống nhất của hệ thống pháp luật và là hành động cụ thể để Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế về bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Ngày 5/4/2019, VCCI tổ chức Hội thảo đối thoại “Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ Luật Lao động sửa đổi – Cơ hội cho doanh nghiệp” trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc trong bộ Luật Lao động sửa đổi”.
Điều này sẽ giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động, làm nền tảng cho thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu, mà còn là điều kiện kiên quyết để đối phó với thách thức giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng nền quản trị tốt.
Trên thực tế, những doanh nghiệp thông minh hiểu rằng, thúc đẩy bình đẳng giới trong việc thực hiện các chính sách nhân sự là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất lao động và tăng sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp.
Theo các đánh giá trên thế giới, đạt được bình đẳng giới hay thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt những lợi ích toàn diện về hiệu suất, thương hiệu, sự thu hút nhân tài và sức ảnh hưởng với các doanh nghiệp, tổ chức toàn cầu.
Yêu cầu hội nhập
Kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế với ứng dụng rộng rãi của công nghệ mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức trong công tác bình đẳng giới tại doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, vấn đề mấu chốt trong việc thực hiện bình đẳng giới chính là tư duy của cả người lao động và người sử dụng lao động. Để bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới, doanh nghiệp cần lồng ghép các nội dung bình đẳng giới tại nơi làm việc trong tất cả các chính sách hoạt động sản xuất –kinh doanh của mình theo hướng, tạo điều kiện, hỗ trợ cho cả lao động nam và lao động nữ có thể thực hiện trách nhiệm tại nơi làm việc và gia đình, cũng như tôn trọng sự khác biệt của mỗi giới.
Thực tế đã chỉ ra, sự thay đổi tư duy người quản lý, việc cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất và thay đổi chính sách doanh nghiệp phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động để đảm bảo thực hiện tốt bình đẳng giới tại nơi làm việc đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đó là tạo điều kiện làm việc bình đẳng giữa nam và nữ để tăng cường nguồn lực con người - tài sản vô giá của doanh nghiệp. Chỉ khi có bình đẳng thì mới tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt, những ngành như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử… là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ chuỗi cung ứng này. Nhưng bên cạnh đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử cũng sẽ là yêu cầu ngày càng thách thức hơn, cả về nhận thức và hành động.