Thời gian qua, Quảng Ninh tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, nhiệm vụ KHCN vào nâng giá trị sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư cho khoa học.
Ứng dụng KHCN vào sản phẩm nông sản
Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, Quảng Ninh đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm nông sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào các dự án liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, nâng tầm giá trị cho nông sản chủ lực, cải thiện thu nhập cho người dân.
Ông Đinh Quang Trí - xã Đông Hải - huyện Tiên Yên, là một trong những cơ sở sản xuất và chăn nuôi gà Tiên Yên có quy mô lớn trên địa bàn huyện. Hiện doanh nghiệp đang duy trì khoảng 2.000 con gà đẻ, mỗi tháng cung cấp khoảng 20.000 con gà giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Ông Trí cho biết: Doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ thụ tinh, ấp nở nhân tạo để nâng tỷ lệ phôi cũng như chất lượng con giống, hướng đến mục tiêu đó là phát triển thương hiệu gà Tiên Yên bền vững, lâu dài.
Theo Sở Khoa học & Công nghệ Quảng Ninh: Thời gian qua các ban, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khích lệ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, HTX đổi mới, đầu tư công nghệ, bắt nhịp với kỷ nguyên số. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế. Chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung...
Số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác, hơn 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát, đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; hơn 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...
Hiện tại, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang đặt mục tiêu phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Trong đó, quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đến nay, các sản phẩm chủ lực đang ngày càng phát triển ổn định, góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Bên cạnh sự chủ động của người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và sự vào cuộc của chính quyền địa phương từ năm 2022, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, tạo đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản chủ lực, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích gắn tăng thu nhập bền vững cho người sản xuất.
Đánh thức tiềm năng
Tính đến cuối năm nay, Quảng Ninh đã có 27 doanh nghiệp KHCN, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp KHCN trong toàn quốc. Với mục tiêu đẩy mạnh thành lập doanh nghiệp KHCN, năm 2024, Sở KH&CN đã khảo sát, lựa chọn 7 doanh nghiệp tiềm năng và tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ KHCN vào nâng giá trị sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư cho khoa học.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là: Môi trường, nông nghiệp hữu cơ, đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản. Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty đã nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư, đổi mới, ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đã đạt được những kết quả nổi bật. Tiêu biểu là việc cải tiến, đổi mới công nghệ đốt rác thải rắn sinh hoạt không cần phân loại cho ra tro xỉ để làm gạch không nung, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công ty cũng thực hiện thành công nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh: “Nghiên cứu, thử nghiệm chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, ứng dụng công nghệ G-tex trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Nhiệm vụ đã được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận đồng thời đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Công ty cũng hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản để thực hiện dự án “Xử lý chất thải y tế, xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng” nhằm đưa công nghệ đốt rác phát điện vào tỉnh Quảng Ninh - đây là công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất hiện nay.
Trước những kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long là một trong các doanh nghiệp tiềm năng được Sở KH&CN hướng dẫn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KHCN trong năm nay. Ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Trở thành doanh nghiệp KHCN sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận những chính sách ưu đãi của Nhà nước, khẳng định thương hiệu đã có và có thêm động lực để phát triển hơn.
Ngoài Việt Long, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh cũng là doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp KHCN của tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, công ty đã không ngừng cải tiến quy trình công nghệ, áp dụng hiệu quả hệ thống trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tiêu biểu như: Ứng dụng công nghệ sản xuất tảo, vi sinh làm thức ăn cho ấu trùng; hệ thống lắng, xử lý nước tuần hoàn, hệ thống lọc bằng tia UV; công nghệ chọn lọc tôm bố mẹ. Đặc biệt, phòng xét nghiệm Real-time PCR của Việt - Úc Quảng Ninh có năng lực xét nghiệm 9 loại bệnh trên tôm theo tiêu chuẩn quốc tế… Bà Vũ Thị Kim Chi - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Việc Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh trở thành doanh nghiệp KH&CN sẽ góp phần lan tỏa việc đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng KH&CN đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành tôm Quảng Ninh.
Sở KH&CN đang tích cực đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ công ty hoàn thiện các thủ tục trở thành doanh nghiệp KH&CN trong thời gian sớm nhất.
Trong năm, Sở KH&CN cũng đã tổ chức 2 phiên gặp mặt doanh nghiệp KHCN với các chủ đề “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và “Cà phê doanh nghiệp KHCN”. Thông qua các cuộc gặp gỡ này đã lồng ghép phổ biến quy định của pháp luật về doanh nghiệp KHCN. Điều kiện thành lập và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN. Hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN... Sở cũng đã thành lập kênh Zalo OA “Hỗ trợ doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo” Quảng Ninh.
Ngoài việc cung cấp những thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách về phát triển doanh nghiệp KHCN và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trang Zalo cũng sẽ tiếp nhận những ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động này.
Ngoài ra, trong năm, Sở KH&CN cũng đã tổ chức các hoạt động trao đổi, kết nối cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Quảng Ninh tìm hiểu một số mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thái Lan và hội thảo khoa học về ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên số nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận KHCN để phát triển bền vững.