Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ I): Tiến trình "kỳ lạ" của năng suất lao động Việt Nam

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 01/05/2021 13:00

Sự chững lại của NSLĐ khu vực "lõi" công nghiệp, mắc kẹt ở đáy "Đường cong Nụ cười" là lý do khiến doanh nghiệp Việt vẫn không thể tham gia đúng nghĩa vào chuỗi giá trị toàn cầu.

LTS: Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025 là 6,5%/năm, đây là một thách thức của Việt Nam khi năng suất lao động tại Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Vì lý do đó, việc tìm kiếm những giải pháp dài hạn cho việc cải thiện năng suất lao động cho toàn bộ nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng.

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước áp lực liên tục từ sự hội nhập toàn cầu và trong khu vực ngày càng sâu sắc cũng như những rủi ro tương lai về bẫy thu nhập trung bình. Mặc dù tăng trưởng cao một cách hợp lý đã đạt được trong vòng hai thập kỷ rưỡi qua, năng suất và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung không có những lợi thế cạnh tranh đảm bảo để đương đầu với thị trường toàn cầu.

năng suất và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung không có những lợi thế cạnh tranh đảm bảo để đương đầu với thị trường toàn cầu.

Năng suất và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn ở mức thấp khiến các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung không có những lợi thế cạnh tranh đảm bảo để đương đầu với thị trường toàn cầu. Ảnh: Quốc Tuấn

Tăng trưởng khiêm tốn và không ổn định

Báo cáo “Năng suất Việt Nam: Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập” vừa được công bố cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế của Việt Nam đã và đang tăng qua các năm nhưng với tốc độ khiêm tốn và không ổn định.

Cụ thể, không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế ở phần còn lại của châu Á, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất, đây là điều cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao.

Về giá trị tuyệt đối (tính theo giá so sánh năm 2010), NSLĐ toàn nền kinh tế đã tăng từ 18,29 triệu đồng/lao động năm 1990 lên mức 68,40 triệu đồng/lao động năm 2019, hay 3,74 lần. Trung bình hằng năm, tăng trưởng đạt 4,65% trong giai đoạn 1991-2019. Bất kỳ nền kinh tế nào đang trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng cũng được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng NSLĐ cao hơn như vậy trong vòng một phần tư thế kỷ. Trung Quốc là nước có mức NSLĐ tương tự Việt Nam trong năm 1990 đã tăng trưởng 8,98% mỗi năm hay 9,4 lần vào năm 2017.

“Do vậy, kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục. Vì điều này, tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại”, nhóm nghiên cứu đánh giá.

Cùng với đó, NSLĐ của Việt Nam phát triển qua ba giai đoạn khác nha. Cụ thể, tăng trưởng nhanh trong giai đoạn năm 1991-1995, sau đó chững lại ở giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2012 và phục hồi từ những năm 2013.

“Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tích cực xóa bỏ các rào cản thị thường và hội nhập một cách quyết đoán vào cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực này khởi đầu cho sự tăng trưởng đáng kể NSLĐ Việt Nam, đạt đỉnh 7,13% vào năm 1995. Đây là sự hồi sinh của những tăng trưởng kinh tế từng bị kìm nén trước đó và cũng đánh dấu sự quay lại của Việt Nam với con đường phát triển thông thường của một quốc gia” PGS TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho biết.

Bên cạnh đó, đã có sự bắt kịp hiệu quả trong nội bộ mỗi ngành - “hiệu ứng nội ngành” và cường độ vốn tăng lên khi các ràng buộc trong các hoạt động kinh doanh tư nhân được xóa bỏ. Trong khi đó, lực lượng lao động vẫn ổn định tương đối cả về chất lượng và số lượng.

Trong giai đoạn thứ hai bắt đầu từ giữa thập niên 1990, tăng trưởng NSLĐ đã chậm lại. Khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997- 1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã làm xáo trộn nền kinh tế Việt Nam.

Quan trọng hơn, tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào đầu tư vốn lớn với sự giảm sút về hiệu quả vốn. Sự ảm đạm trong tăng trưởng năng suất tiếp diễn trong thiên niên kỷ mới. Từ năm 2000 đến 2012, tăng trưởng NSLĐ chỉ trong khoảng 3-4%/năm.

Trong giai đoạn thứ ba, tình hình bắt đầu cải thiện và tăng trưởng NSLĐ dần bắt kịp tốc độ của giai đoạn đầu tiên cho đến khi đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu vào năm 2020. Đóng góp của TFP vào NSLĐ tăng cao như mức 73% trong giai đoạn 2011-19 trong khi đóng góp của cường độ vốn giảm.

“Động lực chính của tăng trưởng đã chuyển từ nặng về đầu tư sang cải thiện hiệu quả đúng nghĩa. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự thay đổi như mong muốn này vẫn chưa được làm rõ”, PGS TS Nguyễn Đức Thành phân tích.

Xét năng suất lao động theo phân loại ba nhóm ngành lớn có thể thấy, tăng trưởng NSLĐ cao nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực hai), theo sau đó là khu vực dịch vụ (khu vực ba). Trong khi đó, khu vực nông, lâm và thủy sản (khu vực một) có tốc độ tăng trưởng NSLĐ cũng như mức NSLĐ thấp nhất.

Tuy vậy, tăng trưởng NSLĐ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng (những ngành đóng góp gần 42% vào GDP) lại không ấn tượng theo các tiêu chuẩn toàn cầu, thậm chí tăng trưởng bắt đầu suy giảm quanh năm 2001 khi Việt Nam vẫn còn là một nước thu nhập thấp.

“Sau khi tăng trưởng nhanh chóng trong thập niên 1990, NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chững lại trong thập niên 2000 và thập niên 2010. Sự suy giảm này là quá sớm bởi lẽ sự năng động của ngành chế biến, chế tạo nên kéo dài ít nhất trong vài thập niên để đưa Việt Nam lên mức thu nhập cao”, Giám đốc VESS nói.

kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục. Vì điều này, tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại

Kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục. Vì điều này, tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại. Ảnh: Quốc Tuấn 

Mắc kẹt tại đáy "Đường cong Nụ cười"

Xét theo thành phần sở hữu, NSLĐ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã giảm đáng kể bắt đầu từ đầu thập niên 2000 trong khi NSLĐ của khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước đã tăng ổn định.

Theo nhóm nghiên cứu đánh giá, mức thấp và thậm chí là suy giảm của NSLĐ khu vực FDI là đáng ngạc nhiên vì FDI được cho là mang lại công nghệ cao cùng sự cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam và đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng rõ ràng điều này đã không xảy ra như mong đợi. Một phần lớn dòng vốn FDI ưa chuộng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong những năm đầu của thập niên 2000, cơ cấu các dự án sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển mạnh từ các dự án thâm dụng vốn sang thâm dụng lao động có NSLĐ tương đối thấp.

“Kết quả đáng thất vọng của NSLĐ khu vực FDI có thể giải thích phần lớn tại sao NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hầu như không tăng kể từ năm 2001 và tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể tham gia một cách đúng nghĩa vào chuỗi giá trị toàn cầu”, PGS TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Điều đáng ngạc nhiên là đa số các nhà sản xuất nước ngoài coi Việt Nam là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất thâm dụng lao động phổ thông - như may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp linh kiện và các quy trình đơn giản khác - cùng với đó, Chính phủ Việt Nam chưa ban hành các chính sách giải quyết vấn đề này bằng cách việc nâng cao mạnh mẽ giá trị nội địa.

Thậm chí, tình hình NSLĐ thấp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn kéo dài ngay cả sau một phần tư thế kỷ hội nhập toàn cầu. Việt Nam dường như mắc kẹt tại đáy "Đường cong Nụ cười", là đường biểu diễn phản ánh sự tạo ra giá trị cao ở thượng nguồn (R&D-nghiên cứu và phát triển) và hạ nguồn (tiếp thị toàn cầu), tạo ra giá trị thấp ở trung nguồn (chế biến và lắp ráp).

Trong khi đó, sự tăng lên của NSLĐ khu vực nhà nước một phần đến từ một loạt các cải cách như tinh giản và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Quá trình này đã loại bỏ các hoạt động năng suất thấp và để lại các ngành thâm dụng vốn cao trong khu vực công, do đó đã đẩy NSLĐ trung bình của khu vực lên. NSLĐ của khu vực ngoài Nhà nước vẫn giữ ở mức thấp dù cho có cải thiện qua các năm.

Đặc biệt, khi phân tích dịch chuyển cơ cấu cho thấy động lực tăng trưởng NSLĐ trong toàn giai đoạn 1991-2017 là hiệu ứng nội ngành (cải thiện năng suất trong nội bộ ngành) dù có một khoảng thời gian (2001-2010) hiệu ứng dịch chuyển (lao động dịch chuyển giữa các ngành) là nhân tố đóng góp chính.

Tuy nhiên, hiệu ứng dịch chuyển gần đây đã giảm dù cho một tỷ trọng lớn lao động Việt Nam vẫn ở trong khu vực nông thôn và tham gia vào nông nghiệp năng suất thấp, công nghiệp hóa thì còn một chặng đường dài để hoàn thành. Sự chững lại sớm trong dịch chuyển lao động giữa các ngành có thể cho thấy những rào cản trong dịch chuyển lao động như các ngành NSLĐ cao có quy mô sản xuất và thị trường nhỏ hoặc lao động Việt Nam thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu lao động của các ngành kinh tế cạnh tranh trên thế giới.

Kỳ 2: Những nỗ lực “rời rạc” khiến xếp hạng nằm nhóm "áp chót"

Có thể bạn quan tâm

  • Năng suất lao động và thu nhập: Luẩn quẩn chuyện quả trứng - con gà”!

    05:03, 01/05/2021

  • Thúc đẩy phong trào tăng năng suất

    04:30, 01/05/2021

  • Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"

    13:00, 28/04/2021

  • Tăng trưởng năng suất lao động của khối FDI chững lại

    09:53, 28/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ I): Tiến trình "kỳ lạ" của năng suất lao động Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO