Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Phan Nam thực hiện 21/06/2022 17:18

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết:

VCCI đang tiến hành xây dựng một kế hoạch thực hiện dự kiến được triển khai trong vòng 05 năm với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng… 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh: Việc Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam có thể coi là một thành công sau nhiều năm nỗ lực kiến nghị chính sách của VCCI, với nòng cốt là VBCSD-VCCI, thông qua các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (VCSF). KTTH luôn là một trong những nội dung trọng điểm được thảo luận tại VCSF từ 2017 tới 2022.

- Mục tiêu cụ thể của đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050, theo ông, đâu là thách thức trong quá trình triển khai thực hiện?

Thách thức lớn nhất trong việc áp dụng mô hình KTTH là chi phí thu hồi giá trị từ chất thải. Ở Việt Nam, lượng chất thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới, trong khi tỷ lệ tái chế chỉ đạt dưới 10%. Đây là một tỷ lệ nhỏ so với các nước đã và đang thực hiện mô hình KTTH. Tỉ lệ thải bỏ cao như vậy gây ra khó khăn trong việc quản lý thu gom và tái chế tài nguyên.

Hai là, hệ thống kinh tế hiện tại ở Việt Nam đang hướng tới nhu cầu của kinh tế tuyến tính. Đa số các doanh nghiệp vẫn tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi KTTH là mô hình tạo ra giá trị dài hạn.

Ba là, các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển KTTH còn chưa hoàn thiện đầy đủ, việc triển khai các mô hình kinh doanh mới chưa được tạo điều kiện tối ưu.

 Lễ phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022 (CSI 2022)

Lễ phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022 (CSI 2022)

Ngoài ra, các khó khăn, thách thức còn đến từ nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế vẫn còn nhỏ; thiếu những chuyên gia có trình độ, kỹ thuật để thực hiện mô hình kinh tế mới này; cách đo lường chỉ số tổng sản phẩm trong nước (GDP) hiện nay chưa chú trọng xem xét các yếu tố thuộc về xã hội và môi trường, chưa khuyến khích việc tạo ra giá trị trong cả hai lĩnh vực nói trên.

- Việc triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tác động như thế nào tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thưa ông?

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, KTTH mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, đối với Việt Nam, phát triển KTTH thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với xã hội, KTTH giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân.

Đối với doanh nghiệp, KTTH góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.

Trên phạm vi toàn cầu, các Hiệp định, Thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải, đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, và việc Việt Nam thể hiện quyết tâm chuyển đổi đó thông qua những hành động tích cực và cụ thể sẽ giúp chúng ta bắt kịp xu hướng tất yếu trên thế giới.

- Với vai trò là tổ chức quốc gia, tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các Hiệp hội doanh nghiệp, xin ông cho biết VCCI sẽ làm gì để thúc đẩy tiến trình này?

Hiện nay, VBCSD-VCCI đang tích cực triển khai các hoạt động như thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững, quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), xây dựng Bộ chỉ số Khu công nghiệp (KCN) bền vững trong khuôn khổ Sáng kiến Khu Công nghiệp bền vững Việt Nam. Trong nội hàm của Bộ chỉ số CSI hay Bộ chỉ số KCN bền vững đều có những chỉ tiêu liên quan đến KTTH.

Theo phân công nhiệm vụ từ Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, VCCI đang tiến hành xây dựng một kế hoạch thực hiện dự kiến được triển khai trong vòng 05 năm (tháng 01/2023 đến tháng 12/2027), với mục tiêu tổng quát là phát triển KTTH góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng, phấn đấu đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, sự bền vững về môi trường và sự công bằng xã hội.

Một số nhóm hoạt động chính dự kiến sẽ được tiến hành trong thời gian tới gồm: Truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức cho công đồng doanh nghiệp về KTTH; Đóng góp, kiến nghị xây dựng khuôn khổ pháp lý, xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình KTTH tại Việt Nam; Nghiên cứu thực trạng và đánh giá tiềm năng chuyển đổi KTTH trong một số ngành nghề trọng điểm, xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH của các ngành này, gắn với yêu cầu của chuyển đổi kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường; có thể thí điểm triển khai các mô hình kinh doanh theo định hướng KTTH với tiềm năng lớn tại một số tỉnh thành và trong một số ngành trọng điểm; Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc phát triển KTTH...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO