Thúc đẩy tăng trưởng xanh: Bài 1- Kiến tạo không gian phát triển nhanh, bền vững

PGS.TS. BÙI QUANG TUẤN, TS. HÀ HUY NGỌC - Viện Kinh tế Việt Nam 04/12/2023 03:00

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải GHG cao nhất khu vực Đông Nam Á.

>>Chia sẻ sáng kiến để kiến tạo tăng trưởng xanh

Sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt ra mục tiêu tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để đạt được vị thế đó (với ngưỡng thu nhập bình quân đầu người là USD 12.695), Việt Nam cần có tốc độ tăng trưởng bình quân vượt trội hơn so với bình quân giai đoạn 1990-2020.

ff

Giai đoạn 2021-2022, Việt Nam đã thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí.

Nền kinh tế thâm dụng tài nguyên

Để so sánh, Hàn Quốc, với mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 1951 tương đương với Việt Nam vào năm 1990, đã phải mất 42 năm sau đó để trở thành quốc gia thu nhập cao.

Để vào nhóm quốc gia có thu nhập cao, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 (Chiến lược) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tích luỹ thêm vốn sản xuất, vốn vật chất (hạ tầng) và vốn người, đồng thời phải sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn, nhằm tạo ra mức tăng năng suất cần thiết để có thể đạt được thành tựu về kinh tế như Hàn Quốc.

Chiến lược cũng thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế cho đến nay đã tiêu tốn vốn tự nhiên của Việt Nam với tốc độ không bền vững, dẫn đến tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Chiến lược cũng cho thấy chuyển đổi kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý tốt hơn nguồn vốn tài nguyên.

Như hầu hết các quốc gia thu nhập thấp, Việt Nam dựa nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng kinh tế, sử dụng một trữ lượng lớn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản để thúc đẩy sự phát triển trong suốt hai thập kỷ qua. Trong giai đoạn 1990–2014, vốn tài nguyên ước tính chiếm khoảng một phần ba tổng tài sản của Việt Nam, so với 10% ở khu vực Đông Á và 17% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao.

Sự phụ thuộc này lý giải phần lớn sự suy thoái nhanh chóng tỷ lệ tiết kiệm ròng của Việt Nam từ mức cao nhất là 25% vào những năm đầu của thế kỷ 21 xuống khoảng 10% vào năm 2019. Tình trạng suy thoái vốn tài nguyên hiện có đã trở nên ngày càng trầm trọng hơn do không được bảo trì đầy đủ và rủi ro khí hậu gia tăng.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần chuyển từ phương pháp tiếp cận mở rộng kinh tế được cho là lãng phí (do các nhà sản xuất thường sử dụng nhiều tài nguyên đất, nước, gỗ, năng lượng và các nguồn lực khác cho mỗi đơn vị sản phẩm hơn so với các quốc gia khác) sang một mô hình phát triển có thể quản lý vốn tài nguyên một cách bền vững hơn.

>>Tăng trưởng xanh của Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Lượng phát thải gia tăng đang gây ra nhiều thiệt hại

Tăng trưởng kinh tế, đô thị hoá và công nghiệp hoá nhanh chóng của đất nước trong 40 Đổi mới dựa trên tổng cung năng lượng dựa vào than và sản sinh lượng phát thải khí nhà kính đáng kể. Mức độ phát thải đã tăng lên đáng kể trong một thập kỷ vừa qua, và Việt Nam đã khóa ngành điện vào với các công nghệ phát thải cao trong thập kỷ tới. Năm 2020, năng lượng chiếm khoảng 65% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của cả nước.

Nông nghiệp là ngành phát thải lớn thứ hai, chiếm khoảng 19%, tiếp đến là giao thông, công nghiệp và chất thải. Hơn một phần ba lượng phát thải GHG của Việt Nam là các loại khí không phải CO2 - đáng chú ý nhất là khí mêtan, và ngoài ra còn có khí nitơ dioxide (loại khí thải có tác động mạnh trong ngắn hạn tới tình trạng nóng lên toàn cầu, đồng thời gây ô nhiễm không khí) - mặc dù lượng phát thải CO2 từ sử dụng năng lượng đang tăng nhanh hơn nhiều.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải GHG cao nhất khu vực Đông Nam Á (được đo bằng lượng phát thải trên một đơn vị sản lượng), tương đương Indonesia, nhưng cao hơn nhiều so với Trung Quốc hay Philippine.

Về quy mô, lượng phát thải GHG của Việt Nam ở mức tương đương 364 triệu tấn CO (Triệu tấn COe) vào năm 2018 - chiếm chưa đến 0,8% tổng lượng phát thải toàn cầu, ngang bằng với Malaysia, Thái Lan, Pháp và Anh. Lượng phát thải GHG bình quân đầu người năm 2018 là 3,81 tấn CO2, tăng so với 0,79 tấn năm 2020, nhưng vẫn tương đối thấp theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.

So sánh lượng phát thải giữa một số quốc gia

Nguồn:ngânhàngthếgiới,2022

Sự gia tăng lượng phát thải GHG nhanh chóng trong hai thập kỷ qua có tương quan đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, cũng như tổn thất đáng kể về sức khỏe và năng suất.

Theo dữ liệu thu được từ quan sát vệ tinh và được tính trung bình cho cả nước, nồng độ bụi trung bình năm luôn cao hơn từ 4-5 lần so với ngưỡng an toàn 10 microgam hạt PM 2.5 trên một mét khối thể tích không khí (μg/m3) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các ước lượng cấp quốc gia này không thể hiện được sự thay đổi nồng độ theo mùa và theo vùng với nồng độ ở mức rất cao ở các đô thị lớn như Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) sử dụng một phương pháp chuẩn được chấp nhận rộng rãi, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2016, hơn 60.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí. Liên minh Toàn cầu về Sức khoẻ và Ô nhiễm ước tính con số đó là trên 50,000 trong năm 2019.

Dựa trên chi phí tiền tệ liên quan đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và giảm năng suất lao động, CEA ước tính chi phí kinh tế phát sinh do ô nhiễm không khí năm 2020 ước tương đương 1% GDP.

>>Ngành thép Việt và mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững

Tổn thất và thiệt hại kinh tế nặng nề do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, xếp hạng 127 trong số 182 quốc gia theo Sáng kiến Thích ứng Biến đổi Khí hậu Toàn cầu Notre Dame (ND- GAIN) và đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2021.

Việt Nam cũng chưa chuẩn bị kỹ để đối phó với các hiện tượng cực đoan, nhiệt độ nóng hơn và mực nước biển dâng (xếp thứ 91 trong số 192 quốc gia theo Chỉ số Sẵn sàng ND-GAIN).

Giả định nền nhiệt độ trung bình của Việt Nam tăng với tỷ lệ tương tự toàn cầu, tới giai đoạn 2080- 2090, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm từ 1–3,4°C so với mức cơ sở ở giai đoạn 1986–2005, với biên độ lớn hơn giữa nhiệt độ cực đại và cực tiểu.

Việc gia tăng nắng nóng cực đoan có khả năng cao sẽ khuếch đại các tác động đối với sức khỏe con người, sinh kế và hệ sinh thái. Kết quả mô hình cho thấy tính bất định lớn xoay quanh hai vấn đề quan trọng đối với Việt Nam: xu hướng lượng mưa tương lai và xu hướng về cường độ của các hiện tượng cực đoan. Các vùng thấp ven biển và đồng bằng lưu vực sông của Việt Nam có nguy cơ bị tổn thương rất cao đối với nước biển dâng.

Nếu không có các biện pháp thích ứng hiệu quả thì từ 6 triệu đến 12 triệu người có thể chịu tác động tiêu cực từ lũ lụt ven biển trong giai đoạn 2070 - 2100, phụ thuộc vào lộ trình phát thải toàn cầu.

Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm những rủi ro vốn đã rất lớn do lũ lụt gây ra; đến giai đoạn 2035–2044, mỗi năm sẽ có thêm khoảng vài triệu người bị ảnh hưởng từ những trận lũ lụt nghiệm trọng. Biến đổi khí hậu đang ngày càng làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam và những khoản chi phí đang bắt đầu làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Những tính toán ban đầu trong Phân tích Quốc gia về Môi trường (CEA). Theo tính toán nhóm nghiên cứu Ngân hàng thế giới cho thấy giai đoạn 2021-2022 Việt Nam đã thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí.

Quy mô của những thiệt hại này, được dự đoán sẽ tăng nhanh, nhấn mạnh sự cấp thiết ngày càng gia tăng đối với việc Việt Nam cần phải thích ứng với các rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Trong khi tình trạng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của Việt Nam bắt nguồn từ trữ lượng tích tụ của GHG trong khí quyển và phản ứng chậm chạp của các tác nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm trước việc giảm thiểu phát thải GHG, tình hình trở nên trầm trọng hơn do công tác quy hoạch yếu kém và quản lý không bền vững các nguồn tài nguyên.

Trường hợp điển hình là đồng bằng sông Cửu Long nơi có hoạt động khai thác cát liên tục làm trầm trọng thêm tác động của mực nước biển dâng đối với tình trạng xói mòn bờ biển và bờ sông.

Trên bình diện cả nước thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, dị thường, trái quy luật, và ngày càng gia tăng ở cả mức độ, cường độ. Đặc biệt, là những trận mưa lớn lại diễn ra vào cuối mùa khi các hồ chứa đã tích đầy nước, bão và áp thấp nhiệt đới ở cấp độ mạnh di chuyển vào khu vực mà trước đó ít khi xảy ra.

BĐKH gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đồng thời tăng nhanh qua từng giai đoạn, từng năm. Ước tính trong giai đoạn 2001-2010, BĐKH đã làm thiệt hại khoảng 79.853 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2022 khoảng 245.339 tỷ đồng (gần 11 tỷ USD, theo tỷ giá năm 2022). Tổng thiệt hại do thiên tai và BĐKH gây ra trong giai đoạn 2011-2022 đã tăng 3,07 lần so với giai đoạn 2001-2010.

Tính trung bình mỗi năm các sự kiện khí hậu cực đoan gây thiệt hại khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD/năm). Đối với vùng ĐBSCL, thiệt hại do thiên tai và BĐKH ngày càng gia tăng ở mức nghiêm trọng, thiệt hại nặng nhất là năm 2019-2020 với gần 8.000 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2010-2021, tổng thiệt hại do thiên tai và BĐKH ở vùng ĐBSCL là khoảng 31.945 tỷ đồng.

>> Đón đọc: Thúc đẩy tăng trưởng xanh: Bài 2 - "Đòn bẩy" từ cơ chế, chính sách

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển kinh tế xanh cần khơi thông nút thắt chuyển dịch năng lượng

    04:30, 15/11/2023

  • Việt Nam - Hà Lan thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh và công nghệ cao

    12:01, 02/11/2023

  • Khai thác hiệu quả dữ liệu tuần hoàn trong nền kinh tế xanh

    05:00, 01/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy tăng trưởng xanh: Bài 1- Kiến tạo không gian phát triển nhanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO