“Trong giai đoạn thí điểm áp dụng báo cáo tài chính chuẩn quốc tế (IFRS) từ 2022-2025, các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này để sớm có ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện pháp luật tài chính”.
>>Thách thức đối với việc chuyển đổi IFRS
Việc áp dụng báo cáo tài chính chuẩn quốc tế (IFRS) mang lại rất nhiều lợi ích sát sườn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, theo kết quả của một cuộc khảo sát gần đây do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp thực hiện cùng với Sở Giao dịch chứng khoán trên 149 công ty niêm yết, thì có 79% trả lời rằng họ có quan tâm và sẽ áp dụng IFRS; nhưng mới chỉ có chưa tới 3% các doanh nghiệp đã thực hiện IFRS và chưa đến 11% số doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng, họ sẽ sẵn sàng áp dụng trong tương lai gần. Như vậy con số khảo sát này cũng cho thấy mức độ sẵn sàng với việc IFRS ở Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Lý giải cho “sự khiêm tốn” này, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCKNN) cho biết, trong quá trình phối hợp với các công ty kiểm toán, đào tạo trên thị trường, đặc biệt cho các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi thấy, sự “chần chừ” của doanh nghiệp đến từ các nguyên nhân như:
Thứ nhất, là hiểu biết và nhận thức của hội đồng quản trị cho đến người trực tiếp làm hoạt động kế toán kiểm toán. Do đó, họ cần phải được nâng cao nhận thức về tính cần thiết trong việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, cũng như chuẩn bị cho các bước chuyển đổi từ VAS sang IFRS, để đảm bảo hoạt động chuyển đổi không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, là về nguồn nhân lực, doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi nhưng không có nhân lực để thực hiện, cũng làm ảnh hưởng đến quyết tâm của doanh nghiệp khi mong muốn áp dụng IFRS mặc dù có nhìn thấy cơ hội khi chuyển đổi.
“Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng, để thực hiện xây dựng được cơ sở dữ liệu, đảm bảo tất cả các thông tin có đầy đủ từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp, thì ngôn ngữ của phần mềm phải được thống nhất, tích hợp được các thông tin tài chính doanh nghiệp vào chung một phần mềm để đánh giá chính xác về mặt tài chính”, ông Dũng phân tích.
Thứ ba, doanh nghiệp vẫn còn chần chừ một phần dựa trên những quy định pháp luật của Việt Nam. Vì có những quy định trên thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, doanh nghiệp phải thực hiện thêm luật doanh nghiệp và luật chứng khoán. Vậy tất cả các luật phải có sự thống nhất một cách hiểu, một cách áp dụng IFRS vào thị trường. “Tôi mong rằng với tất cả nỗ lực của các cơ quan quản lý. của các doanh nghiệp, của các tổ chức trung gian, cũng như các công ty kiểm toán có thể giúp doanh nghiệp, giúp cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng IFRS hiệu quả”.
>>Thực hiện IFRS: "Ra sân chơi quốc tế, không thể nói chuyện kiểu Việt Nam"
Còn theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), phải xác định việc áp dụng IFRS là rất phức tạp và tốn kém, điều đầu tiên doanh nghiệp lo nhất là thay đổi kết quả kinh doanh, khi đang hoạt động tốt nhưng điều chỉnh lại chế độ kế toán, nảy sinh vấn đề lỗ lãi thì chủ đầu tư Nhà nước sẽ đặt ra câu hỏi có vấn đề gì không, có vi phạm không, có bảo toàn vốn không, hay các nhà đầu tư, cổ đông cũng nghi vấn tại sao lại sụt giảm thế? Cho nên các doanh nghiệp phải lường trước được và tự mình đánh giá những tác động ảnh hưởng, để từ đó đưa ra giải pháp trong nội bộ của mình với các cổ đông, thông báo về lợi ích có thể đạt được và hơn thế nữa, phải thông báo cho các nhà đầu tư cũng như đồng hành cùng thể chế của nhà nước để đảm bảo một khung khổ đồng bộ khép kín.
Doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí đầu tư vì đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội. Trong 2-3 năm qua, dịch bệnh xảy ra khiến nền kinh tế bắt buộc phải chuyển sang kinh tế số, áp dụng công nghệ thông tin, từ cơ hội đó, chúng ta có thể áp dụng IFRS nhanh hơn khi đã có cơ sở dữ liệu lớn, có hệ thống công nghệ thông tin phân tích, kế toán viên trở thành nhà kinh tế chứ không còn là nhà ghi chép,...
“Chúng tôi đang thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, một trong những trọng tâm quyết liệt gần như bắt buộc của doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty là phải thành công chuyển đổi, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Đây là một yêu cầu bắt buộc và là tiêu chí đánh giá đối với doanh nghiệp cũng như lãnh đạo doanh nghiệp. Vậy khi chúng ta chuyển đổi theo thông lệ quốc tế, với nền tảng đó, thì áp dụng IFRS sẽ thuận lợi hơn. Một khi chúng ta đã bỏ tiền ra làm quản trị thì IFRS sẽ song hành hơn và chúng tôi cho rằng, đây cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp phải tính đến.
Đặc biệt, đây là cơ hội dành cho những ai đi trước trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025, các tập đoàn, tổng công ty nào đi trước thì họ có quyền chia sẻ, có quyền góp ý cho các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính ghi nhận, đưa vào hoàn thiện pháp luật tài chính. Còn đến năm 2025, chúng tôi ban hành một bộ quy chế pháp luật tài chính thì nó cũng giải tỏa, tháo gỡ được những vấn đề vướng mắc cho các doanh nghiệp đang thí điểm thực hiện, ví dụ như Viettel hay tới đây là Tập đoàn Dầu khí,...
Cho nên, các doanh nghiệp phải chuyển đổi quản trị, chuyển đổi các quy trình trong doanh nghiệp để áp dụng, khi đã có pháp luật ủng hộ rồi thì sẽ yên tâm thực hiện. Những ai còn chần chứ chưa thực hiện, đến thời điểm bắt buộc phải thực hiện, lúc đó cũng không còn cơ hội để kiến nghị, đề xuất để nói rằng cái này không phù hợp, cái kia không được,... Chúng tôi rất mong các tập đoàn, tổng công ty lớn căn cứ theo lộ trình Quyết định 345/QĐ-BTC để lựa chọn. Cũng phải nói rằng tới đây, mô hình hiện đại nhất của doanh nghiệp Việt Nam chính là mô hình công ty cổ phần gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán, do đó Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã nói, nếu thực hiện IFRS, thì UBCK sẽ có những giải pháp hỗ trợ để việc báo cáo được đưa lên và sẽ còn có nhiều các hỗ trợ khác. Nhưng đây chính là cái thuận lợi để chúng ta có thể huy động thêm nguồn lực, tăng cường tính minh bạch trong doanh nghiệp và phát triển mạnh hơn, bền vững hơn”, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
12:45, 16/03/2022
17:54, 15/11/2020
00:16, 02/06/2020
12:05, 28/05/2020