“Vietnam Airline xin phá sản” là thông tin thất thiệt, Vietnam Airlines chưa bao giờ nghĩ tới việc làm đơn xin phá sản, đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn.
Trong khi chờ giải ngân gói hỗ trợ trị giá 10.000 tỷ đồng từ cổ đông Nhà nước, Vietnam Airlines đang phải tìm mọi cơ hội để dòng tiền không bị đứt gẫy.
COVID-19 “thổi bay” 10.750 tỷ đồng lợi nhuận
Tính tới tháng 9/2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) và các hãng thành viên là Pacific Airlines và VASCO giữ 51,7% thị phần nội địa vận chuyển hành khách.
Hiện Vietnam Airlines đang khai thác hơn 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thời điểm vượt đến 12% so với cùng kỳ, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng kể từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam.
Vietnam Airlines cho biết ngay từ đầu đợt dịch Covid-19 thứ nhất hãng đã áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ để duy trì sản xuất kinh doanh như: Tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai cácdanh mục đầu tư chưa cấp thiết; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia; thanh lý đội tàu bay cũ...
Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính của Vietnam Airlines - cho biết: “Các giải pháp này đã góp phần giúp Vietnam Airlines có tổng doanh thu hợp nhất trong 9 tháng đầu năm ước đạt 23.948 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của Công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng”.
Theo ông Hiền, trước tình hình tài chính khó khăn, thời gian tới các nỗ lực nhằm thắt chặt chi phí để duy trì hoạt động sẽ tiếp tục được Tổng công ty triển khai thông qua việc tái cơ cấu lao động; triệt để tiết kiệm, giảm chi phí; đàm phán giảm giá, giãn nợ; sử dụng hạn mức vay ngắn hạn và kiến nghị giải pháp hỗ trợ với cổ đông Nhà nước.
Trả lời câu hỏi dự báo Vietnam Airlines bị mất thanh khoản vào tháng 8/2020, nay đã qua thời điểm đó, ông Hiền cho biết đến hết tháng 6/2020, doanh thu hợp nhất của Tổng công ty chỉ đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, bằng 52,8% so với cùng kỳ, lỗ lũy kế lên tới 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này, Vietnam Airlines vẫn còn lượng tiền mặt 2.695 tỷ đồng từ khoản vay ngắn hạn mới (4.600 tỷ đồng); xin giãn thời gian trả nợ các khoản vay, thanh toán khác trị giá 3.600 tỷ đồng.
“Riêng 2 khoản này cộng lại là 8.000 tỷ đồng. Nếu không tiếp cận vốn vay ngân hàng, không đàm phán giãn, hoãn thì hãng hết tiền từ lâu rồi”, ông Hiền nói.
Trưởng ban Tài chính – Kế toán của Vietnam Airlines khẳng định nếu hãng không kịp thời đưa ra các giải pháp chủ động ứng phó ảnh hưởng của Covid-19 thì có thể đã đứt gãy dòng tiền từ 2 tháng trước đó.
Cũng theo ông Hiền, hết tháng 9/2020, dù dòng tiền đã co hẹp đáng kể nhưng Vietnam Airlines vẫn còn khoảng 1.900 tỷ đồng. Đổi lại hãng đang phải đối diện với tình trạng các khoản vay ngắn hạn tăng lên, nợ quá hạn được giãn hoãn cũng tăng lên tương ứng.
“Các giải pháp tiết giảm chi phí khắc khổ và việc giãn, hoãn thanh toán các khoản công nợ cũng sắp đến giới hạn. Chúng tôi hy vọng các khoản hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước sẽ hoàn thành các thủ tục để giải ngân sớm”, ông Hiền hy vọng.
Thực hư tin Vietnam Airlines phá sản
Theo ông Hiền, trên thế giới ngành hàng không đang rất khó khăn, nhiều hãng hàng không phải bán tài sản. Điển hình như hãng hàng không Korean Air phải bán nhiều doanh nghiệp thành viên, kể cả doanh nghiệp hết sức chủ chốt như suất ăn, bảo dưỡng. Thậm chí có hãng bán cả trụ sở và thuê lại…để có thể sống sót.
Với Vietnam Airlines, khi bắt đầu có dịch và suy giảm dòng tiền nhanh chóng, hãng đã thực hiện ngay việc chủ động một mặt là cân đối ngắn hạn và dài hạn xem tình hình như thế nào. Thứ hai là cắt giảm chi phí.
“Đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm tới 5.335 tỷ, trong đó có phần cắt giảm khó ra quyết định nhất là chi phí tiền lương, nhân công. Cùng đó, hãng cũng làm việc với ngân hàng để tái cơ cấu khoản vay, lùi thời hạn trả nợ về sau. Nếu phải trả nợ thì tiền sẽ hết ngay; Đàm phán với đối tác để giãn tiến độ thanh toán hơn 4,2 nghìn tỷ (đến cuối năm con số này dự kiến tăng lên đến 6.000 tỷ đồng). Đây là cách để Vietnam Airlines có thể đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động và sống sót”, ông Hiền cho hay.
Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính của Vietnam Airlines khẳng định: Thông tin này không phải sai mà rất sai. Không có chuyện đó, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc làm đơn xin phá sản, chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để vượt qua khủng hoảng.
Đáng chú ý, ông Hiền cũng bác thông tin về việc Vietnam Airlines đệ đơn xin phá sản lên Chính phủ.
"Thông tin này không phải sai mà rất sai. Không có chuyện đó, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc làm đơn xin phá sản, chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để vượt qua khủng hoảng", ông Hiền khẳng định.
Theo ông Trần Thanh Hiền, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, nếu xảy ra biến cố thì chắc chắn cổ đông lớn nhất là Chính phủ sẽ có phương án “giải cứu”, bởi nếu Vietnam Airlines phá sản thì sẽ có hệ luỵ rất lớn đối với ngành hàng không Việt Nam.
“Các giải pháp tài chính, sản xuất kinh doanh được Vietnam Airlines tính toán rất kỹ và Chính phủ đang xem xét bơm vốn theo đề xuất của hãng với mức tối thiểu là 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 0%”, Trưởng ban Tài chính Vietnam Airlines thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Vietnam Airlines được "giải vây"
11:03, 03/09/2020
Điều Vietnam Airlines cần nhất lúc này là dòng tiền
02:08, 31/08/2020
Làn sóng COVID-19 thứ hai "bẻ gãy" đà phục hồi của Vietnam Airlines
11:15, 11/08/2020
Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines là ai?
16:43, 10/08/2020
Vietnam Airlines không may gặp “mưa to, gió lớn”
11:00, 01/08/2020