Thuê bao WeFit “sập nguồn”

Cáp Tần 15/05/2020 15:32

Startup kết nối phòng gym và spa WeFit đã thông báo phá sản, kết thúc 4 năm thăng tiến thần tốc và sụp đổ cũng quá nhanh của dịch vụ này.

WeFit ra đời năm 2016 với ý tưởng “trả tiền một lần, tập khắp mọi lúc, mọi nơi”. Khách hàng chỉ cần mua một gói thành viên của WeFit là có thể tập gym thoải mái bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ phòng tập đối tác nào của WeFit.

Ý tưởng hay

Với điều kiện “quá tốt”, linh hoạt như vậy, WeFit tăng trưởng người dùng thần tốc, có lúc lên tới 40% mỗi tháng. Nhà sáng lập còn được vinh danh vào danh sách “30 nhân vật dưới 30 tuổi tiêu biểu” của Forbes năm 2018.

Mô hình “mua 1 lần, dùng thoải mái” như thế, hay còn được gọi là mô hình “thuê bao” (subscription) thực ra không phải là mới. Hình thức quen thuộc nhất chính là buffet, khách trả tiền một lần, được ăn thoải mái, và rất nhiều công ty đã ứng dụng mô hình này vào kinh doanh.

Năm 2011, 2 chàng trai trẻ Mỹ thành lập công ty Dollar Shave Club, tung ra dịch vụ thuê bao dao cạo. Khách hàng chỉ cần đăng ký, trả cố định một số tiền hàng tháng là có dao cạo gửi đến tận nhà, tha hồ cạo.

Chỉ sau vài ngày, Dollar Shave Club có được hơn 12.000 thành viên. Sau 3 năm, giá trị của Club lên trên 600 triệu USD. Năm 2016, câu lạc bộ thuê bao dao cạo này bán lại cho Unilever với giá 1 tỷ đô la tiền mặt.

Đầu năm nay, chuỗi cà phê nổi tiếng Panera ở Mỹ cũng tung ra chương trình thuê bao cà phê đầy hấp dẫn. Chỉ cần bỏ ra 8,99 USD “thuê bao” mỗi tháng, khách hàng có thể thoải mái sử dụng cà phê nóng/đá và trà nóng trên tất cả cửa hàng của Panera.

Sau khi chạy thử nghiệm tại 150 cửa hàng trong vòng 3 tháng, kết quả: Lượt khách ghé thăm tăng vọt 200%; Số lượng bánh ngọt mua kèm tăng 70%; Số lượng khách hàng đăng ký chương trình khách hàng trung thành tăng 25%. Sự thành công này khiến chuỗi Coffee House ở Việt Nam cũng rục rịch tung ra chương trình thuê bao tương tự.

Như vậy, có thể thấy, thuê bao là một mô hình rất hứa hẹn và đã có nhiều công ty ứng dụng thành công. Đây rõ ràng là một ý tưởng hay. Vậy tại sao WeFit lại phá sản?

Triển khai tồi

WeFit thu khách hàng một khoản tiền cố định và trả cho các phòng tập theo số lượt khách hàng đi tập. Vậy nên, khách hàng càng “lười” thì WeFit càng có lãi. Nhưng WeFit không lường được các hành vi tận dụng và cả gian lận từ phía khách hàng.

Người mua thẻ WeFit đã tận dụng triệt để quyền lợi của mình. Thường những gì có mác “không giới hạn” thì người ta có xu hướng dùng vô tội vạ. Khách hàng của WeFit đi tập vô cùng chăm chỉ.

Thêm vào đó, WeFit không kiểm soát được thẻ chặt chẽ nên khách hàng rất dễ gian lận. Đầu năm 2020, tân CEO Nguyễn Hải Đăng của WeFit thừa nhận chính sách không giới hạn phát sinh các booking (đặt lịch tập) ảo, nhiều người dùng chung một tài khoản. Có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng, đỉnh điểm là trên 200 lần một tháng.

Những khách hàng “chăm chỉ” đó khiến WeFit rơi vào lỗ nặng, thiếu tiền trả cho phòng tập, dẫn đến lùm xùm với các đối tác mấy tháng trước.

Khi nhận ra lỗ hổng trong việc cung cấp dịch vụ “thuê bao”, WeFit đột ngột chuyển đổi chính sách, siết lại quyền lợi của khách hàng, khiến khách hàng nổi giận. Họ cho rằng mình bị lừa dối. Còn về phía WeFit, việc thay đổi chính sách “thuê bao” vô hình trung là lật lại cả mô hình kinh doanh cốt lõi của mình. Khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi. COVID-19 chỉ là cái đinh đóng nốt lên chiếc quan tài WeFit mà thôi.

Giới khởi nghiệp thường truyền nhau câu nói: “Ý tưởng chỉ đáng giá 0 đồng, triển khai mới là điều quan trọng”. Câu này rất đúng với WeFit.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuê bao WeFit “sập nguồn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO