Thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam sẽ khiến một số ngành hàng Việt Nam phải sớm thích ứng để giữ vững thị phần xuất khẩu.
Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, đến ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại mới với Việt Nam trên mạng xã hội của mình. Cụ thể, Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hầu hết hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và mức thuế lên tới 40% sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng bị coi là trung chuyển.
Tuy nhiên, đó chỉ là tuyên bố của ông Trump, chứ Việt Nam và Mỹ chưa chính thức ký kết thỏa thuận thương mại.
Thị trường tài chính phản ứng tích cực sau công bố của Tổng thống Trump, trong khi giới phân tích đang theo dõi sát tác động thực tế đến nền kinh tế Việt Nam – đặc biệt là tỷ giá và các ngành xuất khẩu chủ lực.
Theo báo cáo phân tích từ Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) ngày 3/7, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tăng lên 26.300 vào cuối năm 2025, nếu Việt Nam và Mỹ chính thức ký kết thỏa thuận thương mại với các mức thuế như tuyên bố nói trên của ông Trump.
Tuy nhiên, mức tăng này được đánh giá là thấp hơn so với các kịch bản rủi ro trước đó nhờ vào các yếu tố hỗ trợ như đồng USD suy yếu trên toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng ba kịch bản tăng trưởng và xuất khẩu nông lâm thủy sản tương ứng với các mức thuế mà Mỹ có thể áp dụng.
Thứ nhất, nếu Mỹ áp thuế đối ứng 10% đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thì cơ bản kim ngạch xuất khẩu không ảnh hưởng nhiều, tăng trưởng của ngành vẫn ở mức 4%.
Thứ hai, nếu Mỹ áp thuế đối ứng 20%, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ giảm 20%, tương đương giảm khoảng 6,2 - 6,5 tỉ USD, giảm 0,15 - 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng (tăng trưởng đạt khoảng 3,85%).
Thứ ba, trường hợp xấu nhất, nếu Mỹ áp thuế 46%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng cuối năm giảm khoảng 12,3 tỉ USD.
Về xuất khẩu thủy sản, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp thuế đối ứng, nhất là các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ. Tuy nhiên, do chưa rõ mức thuế cụ thể nên đơn vị chưa thể đánh giá tác động chi tiết.
Báo cáo của MUFG cũng cho thấy tâm lý thị trường hiện vẫn đang trong trạng thái “chờ đợi”, khi chưa có văn bản chính thức về cách xác định hàng hóa chịu thuế cao.
Với quy mô thương mại lên đến hơn 130 tỷ USD với Mỹ, Việt Nam không thể đứng ngoài các điều chỉnh chính sách mới từ Washington. Trong khi cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ là chưa từng có, thách thức nằm ở việc làm rõ nguồn gốc sản phẩm, tăng hàm lượng nội địa và nâng cao năng lực truy xuất chuỗi cung ứng.
Đây sẽ là những yếu tố sống còn để tận dụng được lợi ích từ thỏa thuận thương mại mới mà không bị cuốn vào rủi ro từ chính sách thuế quan ngày càng phức tạp của Mỹ.