Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017, Giải thưởng là công cụ giúp các doanh nghiệp trang bị các công cụ quản lý tiên tiến, sẵn sàng cho hội nhập kinh tế quốc tế
Trao đổi tại cuộc họp báo thông báo về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017, ông Tùng cho biết thêm, các tiêu chí của giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xây dựng dựa trên một hệ thống các giá trị cốt lõi gồm: vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; định hướng vào nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả hoạt động đều được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Qua việc hoàn thiện hồ sơ để phù hợp với các tiêu chí đánh giá, các doanh nghiệp sẽ từng bước tự nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, hoàn thiện các kỹ năng quản trị, điều hành, nhân lực... để phù hợp với cuộc chơi toàn cầu.
"Giải thưởng chất lượng quốc gia đã góp phần nâng cao năng lực vật chất, kỹ thuật của các doanh Việt Nam trong tiến trình tăng cường sự hội nhập kinh tế của đất nước với nền kinh tế khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang sở hữu nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước và CPTPP chuẩn bị được thực thi", Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Đánh giá về giải thưởng, ông Nguyễn Trọng Đắc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt Đức, một trong số các doanh nghiệp được nhận giải thưởng CTQG và GTCL quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 nhận định, giải thưởng chính là một "tấm gương soi" cho các doanh nghiệp tự đánh giá về hoạt động kinh doanh sản xuất của chính mình.
"Hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp e dè khi tham dự các giải thưởng như GTCL quốc gia và GTCL quốc tế châu Á - Thái Bình Dương do những tiêu chí tương đối khắt khe. Tuy nhiên, việc đánh giá được tiến hành trong một thời gian dài, các doanh nghiệp cần tận dụng thời gian đó để nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động để gia nhập cuộc chơi toàn cầu".
Ông Đắc cũng cho rằng, để các doanh nghiệp trong nước tự tin cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và đạt được các giải thưởng chất lượng quốc tế cần tập trung vào yếu tố quản trị và con người trong tiêu chí quản lý tri thức và quản lý nguồn nhân lực. "Đây là hai lĩnh vực then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố được các doanh nghiệp trong khu vực chia sẻ là cần được đầu tư và đào tạo thường xuyên".
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2017 được trao cho 73 doanh nghiệp (DN), trong đó 15 DN Giải Vàng và 58 DN được Giải Bạc. Điểm mới của GTCTQG năm nay đến từ việc tham gia tích cực của các tổ chức tài chính, môi trường, xã hội. Bên cạnh đó, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng được mời tham dự để đem đến một cái nhìn khách quan, toàn thể trong việc đánh giá các tiêu chí từ cấp sơ tuyển. Ngoài ra, Ban tổ chức cho biết, việc theo dõi sát sao qua các kênh thông tin cũng là một công cụ đảm bảo việc xét hồ sơ dự giải của các doanh nghiệp được chặt chẽ và sát sao.
GTCLQG là giải thưởng duy nhất về chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng hằng năm nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Kể từ khi chính thức triển khai từ năm 1996, qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội, tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đến nay đã có 1.842 lượt DN được trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.