Loại thuốc trị COVID-19 mà Nga mới thử nghiệm giai đoạn 1 có hiệu quả chống virus SARS-CoV-2 trong vòng 4 ngày.
"Phần thử nghiệm lâm sàng liên quan đến các bệnh nhân ngẫu nhiên của chúng tôi đã chứng minh Avifavir có khả năng kháng virus (SARS-CoV-2) nhanh và nó đã loại bỏ virus khỏi 62,5% số bệnh nhân chỉ sau 4 ngày", thông tấn Nga TASS ngày 4/8 dẫn thông báo của các nhà khoa học Nga tiết lộ.
Các nhà khoa học Nga khẳng định không có tác dụng phụ đáng kể nào được ghi nhận xảy ra với các bệnh nhân. Hiện, họ đang nghiên cứu cách thức điều chỉnh liều thuốc để nâng hiệu quả điều trị người nhiễm COVID-19.
Thuốc Avifavir đã được cấp phép sử dụng tại Nga từ tháng 6/2020
Avifavir có tên quốc tế là Favipiravir, được một công ty Nhật phát triển lần đầu vào cuối thập niên 1990, thường dùng để điều trị các bệnh nhân cúm nặng. Các chuyên gia Nga đã điều chế lại để tăng cường hiệu quả của Avifavir trong điều trị bệnh COVID-19.
Người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev mới đây cho biết Nga hiện đang cung cấp thuốc Avifavir cho 15 quốc gia. Nam Phi là quốc gia mới nhất mua Avifavir của Nga. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này chưa được đông đảo giới khoa học toàn cầu đồng thuận.
Nhóm nhà khoa học do chuyên gia Andrey Ivashchenko từ công ty ChemRar đứng đầu đã thực hiện các thử nghiệm liên quan tới Avifavir, loại thuốc tương tự với thuốc cảm cúm favipiravir được phát triển ở Nhật Bản. Tại các quốc gia, các loại thuốc dựa trên favipiravir chưa được sử dụng vì chúng chưa thông qua các thử nghiệm lâm sàng.
Theo các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu bước đầu sẽ giúp họ thực hiện các nghiên cứu lâm sàng nhanh và hiệu quả trong giai đoạn kế tiếp. Họ kỳ vọng thuốc trên sẽ có hiệu quả và an toàn, cũng như có thể được đưa vào sử dụng để đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Ngoài thuốc trị COVID-19, Nga cũng đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19.
Vắc xin coronavirus Nga được tạo ra bởi Viện Gamaleya có trụ sở tại Moscow. Trước mắt, ngay sau khi phê duyệt Nga sẽ dùng tiêm phòng ngừa cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TASS mới đây, Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov khẳng định, “mục tiêu của Nga trong tháng 9 tới sẽ đưa vào sản xuất đại trà vắc xin ngừa COVID-19, với việc trước mắt có thể bảo đảm sản xuất hàng trăm nghìn liều mỗi tháng và sẽ tăng công suất lên vài triệu liều bắt đầu vào năm tới”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/8 cho biết, cuộc kiểm tra cuối cùng sau 42 ngày tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin đối với 43 tình nguyện viên đã cho thấy sự hiện diện của khả năng miễn dịch cũng như không có bất cứ phản ứng bất lợi nào trong cơ thể các tình nguyện viên này.
Giới Y học Âu Mỹ và WHO có nhiều lo ngại về việc thử nghiệm vắc xin trên người của Nga là chưa đầy đủ, bởi hiện tại khi mà một số vắc xin của Anh, Mỹ đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn ba (giai đoạn cuối cùng) thì vắc xin Nga vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn hai.
Lý giải cho lo ngại này, ông Alexander Ginsburg, giám đốc dự án, cho biết ông đã tự tiêm vắc xin cho mình để thử nghiệm và họ cũng thử nghiệm ngay trên các binh sĩ quân đội Nga. Phía Nga cũng cho biết họ sẽ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 2 trước ngày 03/08 và sau đó họ sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 3 song song với việc tiêm phòng cho nhân viên y tế.
Phía Nga cho biết họ phát triển vắc xin coronavirus trên nền tảng vắc xin Ebola và MERS đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Vắc xin của Nga sử dụng các vec-tơ adenovirus ở người được làm yếu hơn để chúng không tái tạo trong cơ thể.
Nga hiện đang dẫn đầu cuộc đua chế tạo vaccine ngừa COVID-19 khi khẳng định có thể khởi động quá trình tiêm chủng đại trà cho người dân ngay từ tháng 9/2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4/8 kêu gọi Nga tuân theo các hướng dẫn thử nghiệm vaccine trước khi đi vào giai đoạn sản xuất thương mại.
Viện Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaleya tại Moscow - cơ quan dẫn đầu nghiên cứu về thuốc nội địa - đã hợp tác với các công ty Generium, R-Pharm và Binnopharm, để bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng tới. Viện Gamaleya không phải là tổ chức duy nhất của Nga đang nghiên cứu vắc xin Covid-19, nhưng cho đến nay vẫn là thành công nhất. Vào cuối tháng 7, các tình nguyện viên được tiêm chủng đã được xuất viện sau khi nhận được thuốc và trải qua một tháng theo dõi.
Có thể bạn quan tâm
10:44, 29/07/2020
09:59, 14/07/2020
08:43, 13/07/2020
11:00, 07/05/2020