THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 6): Sabeco "giảm thu vẫn tăng lãi" khi vào tay Người Thái

THY HẰNG 23/10/2021 05:00

Được đánh giá là thương vụ cao giá nhất ở Việt Nam thuộc về lĩnh vực bia, rượu và nước giải khát, Sabeco "về tay" ThaiBev-Thái Lan đã chuyển mình rõ rệt.

Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm. Sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333.

Tháng 12/2017,

Tháng 12/2017, hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco đã được Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage, thuộc ThaiBev mua.

Thương vụ cao giá nhất lịch sử

Từng là doanh nghiệp nhà nước, tháng 12 năm 2017, hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco đã được Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage mua, tương ứng 53,59% vốn, với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm từ cổ đông nhà nước. Vietnam Beverage được thành lập để đóng vai trò là công ty nội địa trung gian giúp Thai Beverage (ThaiBev) trong thương vụ thâu tóm Sabeco.

Như vậy, thông qua công ty con Vietnam Beverage, ThaiBev đã thâu tóm Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ M&A kỷ lục được thực hiện, thậm chí còn lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á khi đứng trên cả thương vụ 4 tỷ USD hồi Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger vào năm 2012. Ngoài ra, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ M&A tại Việt Nam.

Tại thời điểm M&A, Sabeco nắm giữ 41% thị phần ngành bia Việt Nam và là doanh nghiệp nội có thể làm đối trọng với các tên tuổi bia ngoại khác như Heineken, Tiger, Sapporo, Budweiser, Corona… Không chỉ là hãng bia hàng đầu tại Việt Nam, Sabeco cũng được đánh giá là thương hiệu bia thuộc top đầu Asean.

Sau thương vụ thoái vốn nhà nước với mức giá cổ phần cao chưa từng có, chuyên gia nhận định, mức giá kỷ lục Thaibev chi mua Sabeco được tính toán dựa trên thu nhập lịch sử, vị thế tài chính, kinh nghiệm quản lý, sự tăng trưởng trong tương lai và tiềm năng của thị trường. Vụ thâu tóm được cho là sẽ giúp Tập đoàn đa dạng hóa thị trường về mặt địa lý, giúp hãng mở rộng khu vực và có được mạng lưới phân phối lớn ở Việt Nam.

Thậm chí, với việc cổ đông Thái nắm quyền kiểm soát Sabeco, chuyên gia nhận định, phần lớn thị trường bia đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp bia trong nước vốn đã ở quy mô nhỏ và ngày càng thêm khó khăn.

Đại diện ThBev cho rằng sau khi đấu giá thành công cổ phiếu Sabeco với giá mua 320.000 đồng/ cổ phiếu năm 2017, công ty đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như thị trường bia Việt Nam. Kể từ đó, Sabeco đã đạt được mức tăng 5% doanh thu thuần năm 2018 và tiếp tục mang lại hiệu quả kinh doanh mạnh mẽ trong năm 2019, báo cáo tăng thêm 5% doanh thu thuần, tăng trưởng lợi nhuận ròng 22%.

Kết thúc năm 2020, nhờ thực hiện các chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc tài chính quyết liệt, lợi nhuận cả năm của Sabeco vẫn lên tới 4.723 tỷ đồng, nhờ đó mang về khoản cổ tức hàng nghìn tỷ đồng cho đại gia Thái Lan. 

Tuy nhiên, sang năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đi cùng việc giãn cách đang gây không ít khó khăn đến hoạt động kinh doanh của đa số doanh nghiệp nói chung, đặc biệt mảng F&B nói riêng. Là doanh nghiệp đứng đầu thị phần bia tại Việt Nam, triển vọng của Sabeco một lần nữa bị thách thức bởi đại dịch, sau rất nhiều nỗ lực cải thiện hiệu suất kinh doanh của ban lãnh đạo từ đầu năm 2020.

Trên thị trường, sự bi quan đã và đang phản ánh lên giao dịch cổ phiếu SAB khi thị giá liên tục giảm sút, giảm 23% từ mức 190.000 đồng/cp đầu năm giảm còn 152.000 đồng/cp (chốt phiên 22/10/2021).

Như vậy, so với mức giá 320.000 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền bỏ ra là gần 5 tỷ USD chi để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco, khoản đầu tư của Thaibev vào cuối năm 2017 đến nay đã "bốc hơi" hơn nửa giá trị.

Linh hoạt giành lại thị phần

Dĩ nhiên, hiệu quả đầu tư của Thaibev không nên chỉ nhìn nhận ở khía cạnh chênh lệch thị giá, mà còn là chiến lược lâu dài của ông lớn Thái đối với mảng bia toàn Tập đoàn, đặc biệt tại khu vực ASEAN nói chung. Cuối năm 2020, ThaiBev cũng chính thức đánh tiếng gom Sabeco và mảng bia tại Thái Lan để tiến hành IPO với định giá lên đến 10 tỷ USD, tuy nhiên kế hoạch được tạm hoãn.

2021 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức với Sabeco.

2021 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức với Sabeco.

Về Sabeco, sau khi Thaibev nắm quyền chi phối đã thực hiện rất nhiều công cuộc cải cách, kết quả tình hình kinh doanh cải thiện. Ứng phó với khó khăn, công ty đã thực hiện cơ cấu sản phẩm/giá bán trung bình, chủ động hedging giá nguyên liệu, củng cố danh mục…Sang năm 2021, Sabeco cũng nhấn mạnh ưu tiên tìm kiếm các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho người lao động của SAB trên toàn quốc.

Với những nỗ lực trên, luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Công ty vào mức 13.165 tỷ đồng, vẫn tăng nhẹ 9%. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế hơn 2.057 tỷ đồng, tăng 6%.

Trong kỳ, Công ty cũng ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn hơn 31 tỷ đồng. Theo SAB, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp toàn diện để tối ưu việc quản lý kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, từ đó góp phần giảm thiểu ảnh hưởng từ làn sóng thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco đánh giá, 2021 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức với Tổng công ty. “Không bỏ cuộc” là cụm từ được cả Chủ tịch và Tổng giám đốc Sabeco không ngừng nhắc tới. 

Trong khi ông Koh Poh Tiong nói rằng, “chúng ta đã vượt qua bằng cách sát cánh cùng nhau, chiến đấu cùng nhau, quan tâm chăm sóc lẫn nhau và điều quan trọng nhất là chúng ta đã không bỏ cuộc”, thì Tổng giám đốc Bennett Neo kỳ vọng: “Với tinh thần quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc của Sabeco, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng chúng ta sẽ mở ra một năm 2021 tươi sáng hơn, cùng nhau vươn lên và vượt qua bất kỳ thử thách nào, vì không có áp lực thì sẽ không có kim cương”.

Về dài hạn, động thái liên tục tung dòng bia mới, đòn đầu xu hướng cao cấp hóa sản phẩm của Sabeco được giới phân tích đánh giá cao, có thể giúp Công ty gia tăng thị phần. Nói như Tổng giám đốc Sabeco: “Chúng tôi nhìn thấy màu “đỏ” khi ra mắt ra bia Lạc Việt, nhìn thấy màu “xanh” khi ra mắt bia Saigon Chill, nhìn thấy màu “vàng kim” khi tái ra mắt sản phẩm bia Saigon Gold được đóng gói trong bao bì phiên bản giới hạn bắt mắt với hình dáng thỏi vàng”.

Trong dài hạn, Sabeco có kế hoạch mở rộng thêm 3 nhà máy bia có hiệu quả và chất lượng cao về sản xuất và địa điểm (nhà máy bia ở Sóc Trăng, Củ Chi và Quảng Ngãi) và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho những nhà máy này để giảm chi phí và bảo tồn năng lượng

Ông Trương Sỹ Phú, chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tin rằng khi Thai Beverage bước vào cuộc chơi, Sabeco – với tâm thế là tập đoàn F&B lớn nhất Việt Nam - có rất nhiều tiềm năng để nhà đầu tư ngoại khai thác.

“Theo quan sát của chúng tôi, chỉ sau hơn 1 năm thay cổ đông, biên lợi nhuận của Sabeco đã được cải thiện rất nhiều nhờ tái cơ cấu toàn diện về sản xuất, phân phối sản phẩm, thay đổi chế độ lương thưởng, áp dụng công nghệ số để quản lý,... Sabeco ngày nay đã trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn xưa rất nhiều, đó là một thành công của Thai Beverage,” ông Phú chia sẻ.

Tuy nhiên bài toán khó nhất của Thai Beverage nằm ở doanh thu: làm sao để tăng sự hiện diện của Sabeco ở kênh tiêu thụ on-trade và tăng thị phần ở phân khúc cao cấp phổ thông mass-premium (như Saigon Special, Saigon Chill để cạnh tranh với Tiger) trong khi vẫn bảo vệ được thị phần ở phân khúc phổ thông.

“Đây là cuộc chiến rất tốn kém. Điều này cũng lý giải cho việc Sabeco và các đối thủ cùng ngành như Heineken đều đang chi mạnh tiền cho các hoạt động bán hàng để chiếm thị phần”, ông Phú nhận xét. Đồng thời kỳ vọng, về trung và dài hạn, thương hiệu Sabeco, với sự trợ giúp từ Thai Beverage, sẽ dần thành công hơn và lấy lại được thị phần từ các thành phố lớn nói chung và trong phân khúc mass premium nói riêng. 

Có thể bạn quan tâm

  • THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 5): Bi kịch Tribeco!

    18:33, 21/10/2021

  • THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 4): Viso: Từ thương hiệu Việt tới “cảm tử quân”

    05:08, 20/10/2021

  • THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 3): P/S "bán mình" tưởng mất hoá ra được, ngỡ được mà lại mất!

    05:10, 19/10/2021

  • THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT VIỆT (Kỳ 2): Highlands Coffee "nhảy múa" trong tay Jollibee

    11:56, 18/10/2021

  • THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 1): Khát vọng vươn mình của Diana!

    12:10, 17/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 6): Sabeco "giảm thu vẫn tăng lãi" khi vào tay Người Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO