Các nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á có thể trở thành “mặt trận” mới trong cuộc chiến thuế quan.
Với việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức kỷ lục 125%, các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đều phải điều chỉnh chiến lược, trong khi các nền tảng số ở Đông Nam Á nổi lên như một hướng đi tiềm năng cho hoạt động chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc.
Leo thang cuộc chiến thương mại
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố tăng thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc từ 104% lên 125%, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn ngưỡng miễn thuế “de minimis” dành cho lô hàng giá trị thấp. “De minimis” là mức giá trị tối thiểu của một lô hàng nhập khẩu mà dưới mức đó, hàng hóa được miễn thuế và thủ tục hải quan đơn giản hơn. Ở Mỹ, ngưỡng “de minimis” là 800 USD, tức là hàng hóa dưới mức này có thể vào Mỹ mà không bị đánh thuế.
Theo ông Wang Xin – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Chuyển khẩu Thâm Quyến, quyết định này không chỉ làm tăng chi phí logistics và tồn kho, mà còn tạo ra làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc cân nhắc rút khỏi thị trường Mỹ hoặc tăng giá bán để bù lỗ.
Điều này cũng đã tạo ra phản ứng ngay lập tức từ phía Bắc Kinh. Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp thuế quan “lạm dụng” của Mỹ, cho rằng chúng phá hoại hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc và gây tổn hại đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Bắc Kinh khẳng định sẵn sàng đối thoại “trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng” để giảm căng thẳng, song cũng cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng nếu các mức thuế mới không được dỡ bỏ.
Hệ lụy khiến cho không chỉ người tiêu dùng, nhiều nhà bán lẻ Mỹ như Nike, Deckers, American Eagle, thậm chí các hãng sản xuất đồ chơi và phụ kiện điện tử, đều chịu sức ép lớn. Theo một nhà phân tích chuỗi cung ứng, ngành thương mại điện tử có thể chịu thiệt hại nặng nề nhất khi phải gánh thêm chi phí thuế và chi phí tuân thủ mới. Chẳng hạn, một món đồ chơi trẻ em sản xuất với giá 3 USD có thể đội giá lên 7 USD sau thuế, buộc các nhà bán lẻ phải tăng giá bán lẻ 20–50% hoặc chấp nhận giảm biên lợi nhuận.
Tận dụng TMĐT Đông Nam Á?
Ở thời điểm hiện tại, các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines hiện chưa áp dụng thuế quan ở mức tương tự Trung Quốc, khiến khu vực này trở thành lựa chọn hấp dẫn để chuyển hướng xuất khẩu qua thương mại số.
“Tình hình thù địch thương mại có thể khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải chuyển hướng hàng hóa của họ qua Đông Nam Á thông qua các nền tảng như Shopee, Lazada, Tokopedia và TikTok Shop”, Phó giáo sư Kiatanantha Lounkaew, một nhà kinh tế tại Đại học Thammasat (Thái Lan), cho biết.
Trong khi Elroy Ng, chuyên gia phân tích thuộc Fidelity International cho rằng: “Nhóm phân tích cho rằng ASEAN vẫn đang trong giai đoạn “đau đẻ” của thị trường trẻ, nhưng cơ hội tăng trưởng dài hạn rất lớn nếu các nền tảng biết tận dụng xu hướng chuyển dịch số và cải thiện lợi thế cạnh tranh nội địa”.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Asia Society, dòng chảy hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc qua các nền tảng số có thể giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế, nhưng cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) địa phương về năng lực cạnh tranh và kiểm soát chất lượng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các SME trên khắp Đông Nam Á, vốn đã phải đấu tranh để giành thị phần với hàng nhập khẩu, giờ đây lại phải cân nhắc đến khả năng thị trường của họ sẽ bị tràn ngập bởi những sản phẩm giá rẻ. Điều này có thể gây nguy hiểm cho nhiều năm nỗ lực xây dựng các ngành công nghiệp địa phương bền vững và hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, ngay từ cuối năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu các nền tảng Trung Quốc như Temu và Shein phải đăng ký chính thức hoặc đối mặt với nguy cơ bị chặn tên miền và ứng dụng. Bộ Công Thương Việt Nam lo ngại chiến dịch khuyến mãi “giá sốc” có thể dẫn đến hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và uy tín của thị trường nội địa.
Nhìn chung, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành “mặt trận” mới trong cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung, và Đông Nam Á chính là chiến trường tiềm năng nhất. Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, đây là cơ hội để mở rộng thị phần, nhưng cũng là thách thức về uy tín, chất lượng và tuân thủ quy định. Với các nước Đông Nam Á, việc cân bằng giữa khuyến khích đầu tư số và bảo vệ SME trong nước, người tiêu dùng là chìa khóa để thị trường phát triển bền vững.