Sáng nay (14/6), tại phiên thảo luận về dự án Luật CAND (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến ĐBQH quan tâm liên quan đến các quy định cụ thể trong dự luật.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật CAND (sửa đổi) sẽ tiếp thu nghiêm túc các nội dung mà nhiều ĐBQH góp ý vào dự luật này như trần cấp bậc hàm hay chính quy hóa lực lượng Công an xã,…
Có thể bạn quan tâm
13:05, 14/06/2018
09:33, 07/06/2018
05:00, 14/06/2018
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) và Nghị quyết số 22 ngày 15-5-2018 của Bộ Chính trị, đến nay Bộ Công an đã tiến hành triển khai tổ chức bộ máy mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Vì vậy, việc xây dựng Luật CAND (sửa đổi) là rất cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý, chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của lực lượng CAND, thực hiện công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và xây dựng lực lượng CAND.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, dự án Luật CAND (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của cơ quan các bộ, ban ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, và xin ý kiến của nhân dân.
Nói về ý góp ý của ĐBQH vào dự án Luật CAND (sửa đổi) tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, đây đều là các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao, cũng là sự chia sẻ, động viên đối với lực lượng CAND.
Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định trong dự thảo luật, đặc biệt là về những nội dung mà các ĐBQH đã có ý kiến, như vị trí, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng CAND; truyền thống CAND; trần cấp bậc hàm và chế độ chính sách trong CAND; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức tron CAND; về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, Công an xã không chính quy trong hệ thống tổ chức CAND; về xây dựng, phát triển công nghiệp Quốc phòng – An ninh… đảm bảo thực tiễn và có tính khả thi.
“Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các quý vị ĐBQH, các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhân dân… tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự thảo Luật CAND (sửa đổi). Ban soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo đúng chương trình đã đề ra” – Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói thêm.