Thời điểm mới đàm phán, cả TikTok và Microsoft đều muốn có thỏa thuận nhỏ, nhưng quy mô phình ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump can thiệp.
Tựa vở opera xà phòng
Những vở kịch opera xà phòng kinh điển trước kia ở phương Tây mang có tính kết nối mở, với những câu chuyện kéo dài vài tập. Cách mà TikTok và Microsoft đàm phán thương vụ mua bán khiến người ta liên tưởng tới thương vụ này chẳng khác nào vở opera đó.
Khi Tập đoàn công nghệ phần mềm Mỹ Microsoft bắt đầu ngỏ lời với TikTok và công ty mẹ ByteDance (Bắc Kinh, Trung Quốc) vào đầu hè này, chẳng bên nào có ý định theo đuổi thương vụ ngưỡng “bom tấn” như hiện nay.
Căng thẳng Mỹ -Trung tăng nhiệt cùng với những vấn đề phức tạp trong việc điều hành một công ty truyền thông xã hội, thì bất kỳ thương vụ mua bán sáp nhập lớn giữa doanh nghiệp hai bên đều trở nên sóng gió. Cho nên, Microsoft lúc đầu chỉ nghỉ tới việc nắm lượng cổ phần nhỏ và trở thành cổ đông thiểu số của TikTok, theo nguồn thạo tin của New York Times.
Với Microsoft, ngay cả một thỏa thuận nhỏ cũng sẽ lợi cả đôi đường. Nếu “cơm lành canh ngọt”, cái lợi rõ nhất của Microsoft là bẻ lái TikTok sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây Azure của mình, lập tức biến ứng dụng video Trung Quốc trở thành một trong những khách hàng lớn nhất sử dụng dịch vụ Azure. Còn hiện tại TikTok sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Google để phát triển nền tảng video trực tuyến.
Về phía TikTok và ông chủ ByteDance, thỏa thuận với Microsoft có thể mảng kinh doanh bên ngoài Trung Quốc phình to lên 80 tỷ USD, đồng thời chứng danh TikTok là một công ty blue-chip của Mỹ. Đây cũng là mưu lược để xoa dịu chính quyền Tổng thống Donald Trump khi Washington liên tục chỉ trích mối quan hệ của TikTok với Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Thế nhưng, màn thương thảo về một thương vụ nhỏ ban đầu giữa Microsoft và TikTok đã nhanh chóng biến tướng thành vở opera xà phòng quy mô lớn, lộn xộn và đầy mùi chính trị. Tổng thống Trump đã ra tối hậu thư buộc TikTok phải bán mình hoặc ngừng hoạt động tại Mỹ. Trước tình thế đó, ByteDance buộc phải xem xét phương án bán bớt phần nào mảng kinh doanh toàn cầu của TikTok cho một số nhà đầu tư tiềm năng.
Liên tiếp những “ông lớn” nhảy vào đàm phán để giành lấy miếng bánh trong thỏa thuận với TikTok và tất cả đều đưa ra những chương trình nghị sự riêng và muốn giành phần lợi cho mình.
Ngoài Microsoft, nhiều nhà đầu tư khác của Mỹ, trong đó hãng phần mềm doanh nghiệp Oracle cũng đàm phán mua lại mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ.
Nhiều ngân hàng và nhà đầu tư được ủy quyền cũng ra sức đạt thỏa thuận với TikTok, họ cũng đã mời Netflix và Twitter tham gia thương vụ “bom tấn” này. Hiện chưa rõ các nhà đầu tư này thực sự muốn mua TikTok không.
Trong số các nhà đầu tư đang dòm ngó TikTok, Microsoft có nguồn lực dư giả nhất và vốn hóa thị trường hơn 1.600 tỷ USD, nhưng lại đang đứng xa nhất trong thương vụ mua lại TikTok.
Các phương án mua bán đã sẵn, nhưng tất cả các bên từ ByteDance, TikTok đến các bên mua vẫn đang quay cuồng tính toán sao cho tối đa hóa lợi ích. Các cuộc đàm phán diễn ra đã đề cập đến rất nhiều nội dung, từ việc bán mảng hoạt động của TikTok ở Bắc Mỹ đến việc bán toàn bộ TikTok, trừ ứng dụng video Douyin mà ByteDance phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc.
Lạ thay, các cuộc đàm phán giữa TikTok và đối tác diễn ra trôi chảy, nhưng đến nay vẫn chưa thỏa thuận nào được thiết lập. Giá trị thương vụ TikTok vẫn chưa chốt, nhưng các con số được đưa ra trước đó dao động trong ngưỡng 20 - 50 tỷ USD, tùy vào mảng hoạt động của TikTok được bán.
Chiến thuận câu giờ
TikTok được ByteDance phát triển từ thương vụ mua lại ứng dụng Musical.ly trị giá 1 tỷ USD vào năm 2017. Đến nay, TikTok trở thành hiện tượng mạng xã hội ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. ByteDance cho biết hơn 100 triệu người Mỹ thường xuyên sử dụng TikTok, chủ yếu là thanh thiếu niên.
ByteDance là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân và được định giá khoảng 100 tỷ USD. Năm ngoái, khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, chính quyền Trump đã đưaTikTok và ByteDance vào tầm ngắm. Tháng 11/2019, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ, một hội đồng quyền lực chuyên xem xét các thương vụ M&A của nước ngoài, đã mở cuộc điều tra về việc ByteDance mua lại Musical.ly sau khi các nhà lập pháp Mỹ lên tiếng lo ngại TikTok đang chuyển dữ liệu của người dùng Mỹ về Bắc Kinh. Còn phía TikTok đã phủ nhận hành vi này.
Doug Leone, một trong những đối tác của Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia và Bill Ford, CEO của Công ty tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp General Atlantic, trở thành cầu nối của ông Zhang Yiming, CEO của ByteDance, với Nhà Trắng. Trong các cuộc trao đổi giữa hai bên, chính quyền Trump đã đưa ra các điều kiện cụ thể: Thứ nhất, họ muốn TikTok cơ cấu lại các cổ đông và hệ thống quản trị để giảm vốn sở hữu của ByteDance. Thứ hai, Washington muốn đảm bảo rằng dữ liệu của người dùng TikTok ở Mỹ được lưu trữ trên các máy chủ của Mỹ.
Để đáp ứng các điều kiện trên, ông Zhang và các nhà đầu tư của ByteDance phải tính đến phương án tìm một đối tác công nghệ lớn của Mỹ, mà không phải Facebook, Google và Amazon bởi những hãng công nghệ này dính dáng nhiều đến điều tra chống độc quyền. Trong khi đó, Microsoft, với dự trữ tiền mặt lên tới 137 tỷ USD và có lợi thế về dịch vụ điện toán đám mây và mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Mỹ, trở thành ứng viên phù hợp.
Từng là kỹ sư của Microsoft, nên Zhang đã liên hệ với các giám đốc điều hành của Microsoft để thăm dò mối quan tâm của họ với TikTok. Microsoft bắt đầu tham gia đàm phán mua lại TikTok từ tháng 7. Vào thời điểm đó, các cuộc đàm phán tập trung vào việc Microsoft muốn trở thành cổ đông thiểu số của TikTok. Trước tình hình căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và áp lực điều hành một công ty truyền thông xã hội, các giám đốc điều hành của Microsoft đã do dự về một thỏa thuận lớn với ByteDance, trong khi ByteDance và ông Zhang cũng muốn giữ lại cổ phần ở TikTok.
Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán tiến triển, Microsoft trở nên hứng thú hơn với một thỏa thuận lớn hơn với TikTok, bởi lẽ Microsoft có nhiều dữ liệu về phần mềm chơi game và phần mềm văn phòng, nhưng lại có rất ít thông tin và hành vi của người dùng mạng xã hội. Nếu thương vụ với TikTok thành công, Microsoft có thể củng cố hoạt động khoa học dữ liệu của mình.
Ngoài ra, TikTok cũng có thể hữu ích đối với mảng kinh doanh quảng cáo trị giá 7 tỷ đô la của Microsoft. Việc đón thêm tân binh TikTok có thể tạo ra sự khác biệt cho sự phát triển của Microsoft.
ByteDance và Microsoft đã xem xét các điều khoản khá rõ ràng. Cụ thể, Microsoft có thể cho phép TikTok hoạt động như một đơn vị độc lập, tương tự như cách mà tập đoàn này đã áp dụng cho các thương vụ M&A trước đó, chẳng hạn việc mua lại Công ty trò chơi điện tử Minecraft trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2014 và mua lại mạng lưới chuyên gia LinkedIn trị giá 26 tỷ USD vào năm 2016.
Thương vụ TikTok được ví như “nhiệt kế” đo sức nóng của quan hệ Mỹ - Trung, nên cho dù thỏa thuận được chốt, các bên vẫn có thể trở mặt nếu Bắc Kinh hoặc Washington nhúng tay can thiệp.
Cần nhắc lại, Tổng thống Trump từng hăng hái can thiệp vào thương vụ này, bằng chứng là việc nói chuyện với CEO của Microsoft Satya Nadella và buông lời nhận xét rằng hãng phần mềm Mỹ Oracle có thể mua được TikTok.
Trong sắc lệnh hành pháp ban hành ngày 6/8, người đứng đầu Nhà Trắng đã ra hạn chót TikTok phải bán mình cho doanh nghiệp Mỹ trước ngày 15/9 hoặc phải ngừng hoạt động tại thị trường Mỹ.
Phản pháo lại, TikTok hôm 24/8 kiện chính phủ Mỹ với lý lẽ rằng sắc lệnh hành pháp mà ông Trump ban hành là sai quy trình. Giới phân tích đánh giá, động thái này giúp TikTok kéo dài thời gian hoạt động ở Mỹ nếu tòa thụ lý vụ kiện và trông chờ vào kết quả có lợi từ bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11 tới.
Giáo sư luật Steven Davidoff Solomon từ Đại học California bình luận, việc Washington ép buộc một công ty lớn như vậy phải bán mình là điều “chưa có tiền lệ”. Đây là thương vụ mua bán ép buộc, vì ByteDance cho thấy họ đang cố gắng giữ lại TikTok, ông Solomon nói thêm.
Đại diện phía TikTok hay ByteDance, cũng như Microsoft, Netflix, Twitter, Oracle và Nhà Trắng đều từ chối bình luận về thương vụ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin đã gọi sắc lệnh hành pháp của ông Trump đối với TikTok là “hành vi bắt nạt trần trụi”.
Tiếp đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố quy định mới hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ trí tuệ nhân tạo, bao gồm các công cụ đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu và nhiều công nghệ khác, bất kể là xuất khẩu với mục đích quân sự hay dân sự. Quy định mới của Bắc Kinh khiến đàm phán mua bán TikTok bị đình trệ do các bên băn khoăn liệu các thuật toán mà TikTok dùng để đề xuất các video cá nhân hóa cho người dùng có được đưa vào thỏa thuận không.
Những thuật toán đề xuất video cá nhân hóa cho người dùng là chìa khóa thành công của TikTok và là một phần quan trọng trong thỏa thuận mua bán TikTok, theo Tạp chí Phố Wall.
TikTok và những đối tác muốn mua lại ứng dụng này đang cố gắng tìm hiểu xem việc bán các thuật toán của TikTok có cần xin chấp thuận của chính phủ Trung Quốc theo quy định mới không.
Phía ByteDance cho biết công ty này sẽ tuân thủ quy định của chính phủ Trung Quốc. Bloomberg mới đây đưa tin, nhóm pháp lý của ByteDance và các nhà đàm phán thương vụ đang cố gắng tìm hiểu liệu còn cửa tiến hành thương vụ TikTok mà không cần đến sự chấp thuận của cả Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà phân tích đánh giá, quy định mới đây của Bắc Kinh đặt ByteDance vào những lựa chọn, hoặc là kéo dài mảng kinh doanh TikTok tại thị trường Mỹ quá thời hạn mà ông Trump yêu cầu (ngày 15/9) hoặc rút lui hoàn toàn khỏi thỏa thuận bán TikTok và đối diện nguy cơ bị cấm cửa ở Mỹ.