Đoạn đường chưa đầy 1km có tới hơn chục lò vôi hoạt động. Trời nắng thì bụi trắng xóa, trời mưa thì nhầy nhụa, dễ gây trơn trượt.
Thực trạng này khiến người dân Minh Tân (Thủy Nguyên) vô cùng bức xúc, nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc xử lý, giải quyết tình trạng này giống như “mũ ni che tai”.
Nhiều gia đình có ruộng ở khu lò vôi bức xúc không kém khi đều có cấy mà không có thu hoạch, Bà Vũ Thị Đào - người dân có ruộng ở khu lò vôi cho biết, không chỉ khói bụi bám vào lá lúa mà các chất thải rắn đổ tràn cả xuống ruộng gây cháy lá, nghẹn đòng. Người dân phản ánh các chủ lò vôi có cho đào cống thoát nước nhưng vôi, cạn vôi vẫn tràn xuống ruộng.
Theo quan sát của PV, đoạn đường chưa đầy 1 km có hơn chục lò vôi hoạt động. Trời nắng thì bụi, trời mưa thì nhầy, đường đã hẹp phương tiện chở nguyên vật liệu lại vô tư đỗ ven đường khiến lòng đường càng trở nên hẹp hơn. Trong khi, đây là tuyến đường huyết mạch nối thị trấn Minh Đức đi các xã Minh Tân, Lưu Kiếm và một số xã ven quốc lộ 10 thuộc địa bàn huyện. Hằng ngày, hàng trăm học sinh ở thị trấn Minh Đức, các xã Ngũ Lão, Tam Hưng... thường phải lưu thông qua đoạn đường này để đến Trường THPT Bạch Đằng.
Được biết, người dân quanh khu vực đã rất nhiều lần kiến nghị, tại cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng có ý kiến. Nhưng các lò vôi vẫn hoạt động suốt nhiều năm nay. Phần lớn lò vôi đều sản xuất theo công nghệ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp.
Để có 6 tấn vôi cho mỗi mẻ lò, phải dùng hết 7m3 đá, 3 tấn than, 3 xe công nông than bùn, 5 tạ củi và phải đốt lửa liên tục 10 - 15 ngày đêm. Ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực này có nguồn gốc chủ yếu từ sử dụng đá, than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp) trong dây chuyền sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2..., chất hữu cơ bay hơi, cho nên việc người dân nơi đây phản ánh phải “hít khí than, ăn bụi vôi” là có cơ sở.
Theo UBND xã Minh Tân, từ năm 2016, thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, TP Hải Phòng đã xây dựng lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn lò vôi thủ công trên địa bàn, trong đó có các lò vôi thủ công trên địa bàn xã Minh Tân (Thủy Nguyên). Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã giảm 12 lò vôi so với trước. Đối với 16 lò vôi thủ công hiện đang hoạt động, địa phương yêu cầu không được cơi nới thêm hoặc cải tạo nâng cấp lò vôi, hoạt động đúng hiện trạng đến thời điểm thực hiện lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công.
Ông Hồ Xuân Đản - Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, thực tế các lò vôi có ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực. Tuy nhiên cần phải được đo đặc, quan trắc cụ thể. Hiện tại, giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này là xóa bỏ lò vôi theo đúng lộ trình.
Có thể bạn quan tâm
00:48, 27/04/2019
09:10, 25/04/2019
05:46, 25/04/2019
Tuy nhiên, nhiều người dân trong khu vực cho biết, cần có hoạt động quan trắc, đánh giá tác động môi trường tại khu vực lò vôi, có biện pháp xử lý các chủ lò vôi gây ô nhiễm môi trường. Nếu nghiêm trọng, cần đóng cửa lò vôi ngay mà không cần đợi lộ trình.