Dù là đầu tàu xuất khẩu của cả nước, mang lại nguồn thu ròng ngoại tệ lớn nhất so với các ngành khác, tuy nhiên đầu tư xã hội vào nông nghiệp chỉ chiếm 5% và chỉ 1% doanh nghiệp đầu tư vào ngành.
Đó là chia sẻ của TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi trao đổi với Phóng viên Báo DĐDN.
Việc thay đổi kết cấu mô hình sản xuất đã giúp nông nghiệp trở thành ngành duy nhất liên tục xuất siêu với con số dự kiến năm 2018 là 40 tỷ USD… Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào ngành cần có bước đột phá để thực sự tạo “bước ngoặt” trong phát triển nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Vai trò chuyển đổi từ “trụ đỡ” thành “mũi nhọn” nền kinh tế của ngành nông nghiệp đã được hiện thực khi mà con số đầu tư xã hội vào nông nghiệp chỉ dừng lại mức 5%, thưa ông?
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ năm 2008, trong đó, có 5 năm chúng ta thực hiện tái cơ cấu ngành, đây là khoảng thời gian quá ngắn để nền nông nghiệp vượt lên từ xuất phát điểm khó khăn của nền sản xuất ở giai đoan tụt hậu về tăng trưởng của nền kinh tế.
Thành quả có được lớn nhất giai đoạn vừa qua là chúng ta thay đổi cơ cấu sản xuất, trong đó nổi bật sự linh hoạt trong chuyển đổi tái cơ cấu. Tuy nhiên, những mặt mang tính chất gốc dễ hơn như tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng về khoa học công nghệ, tăng trưởng về thay đổi tổ chức sản xuất chưa có được thành tựu quan trọng. Do đó, có thể thấy nông nghiệp vẫn còn tiềm năng vô cùng lớn.
Trong khi đó, các chính sách vĩ mô chưa hẳn là tương xứng cho nông nghiệp so với công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, nông nghiệp là ngành đóng góp 17% GDP, 25% xuất khẩu, thậm chí 70% dân số làm nông nghiệp nhưng chỉ có 5% đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp.
10 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ đạt 632 nghìn tỷ đồng, bằng1,9% GDP và bằng 5,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước.
Có thể thấy, mức thu hút ngân sách vào nông nghiệp chưa đạt được mục tiêu đặt ra, đầu tư xã hội chỉ 5%. Đặc biệt, dù con số đã tăng gấp 3 lần thời kỳ đầu tái cơ cấu nhưng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% doanh nghiệp cả nước, chủ yếu vẫn là DNNVV, đầu tư nước ngoài hầu như không đáng kể.
Bởi vậy mà hàng loạt các chủ trương chính sách, các chương trình đầu tư lớn cho nông nghiệp khó thực hiện được, đơn cử như Chương trình phục vụ cho tàu đánh bắt xa bờ, Tái cơ cấu cây cà phê… đều không được thực hiện đúng tiến độ. Do đó, thời gian tới đầu tư phải được tính toán mức độ thích ứng.
- Nhưng doanh nghiệp vẫn “ngại” đầu tư vào nông nghiệp, thưa ông
Xét ở góc độ doanh nghiệp, có hai nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thứ nhất, cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận là rất thấp, rủi ro cao với tình hình khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng và tình hình dịch vụ như hiện nay.
Chúng ta có thể hình dung, với một doanh nghiệp chế biến hay sản xuất máy móc không thể nào có tình trạng cắt điện liên tục như tại nông thôn Việt Nam. Một doanh nghiệp kinh doanh nông sản không thể có tình trạng giao thông khó khăn như hiện nay. Chúng ta đầu tư rất nhiều vào sân bay nhưng đường sắt lại rất kém, đường cao tốc ít đặc biệt nhưng vùng nông sản chiến lược như ĐBSCL hay Tây Nguyên không có một mét đường sắt, đường cao tốc hầu như không có. Ngay cả đường thuỷ tất cả nông sản của hai vùng này cũng phải trở qua TP HCM mới có thể đưa xuống container để xuất khẩu… Một doanh nghiệp làm nước chanh leo tại Nghệ An từng cho biết chi phí vận chuyển nguyên liệu từ Tây Nguyên về Nghệ An trong 3 năm đủ để xây dựng một nhà máy mới. Qua đó để thấy những mong mỏi chính đáng và thiệt thân của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này. Những rào cản đó doanh nghiệp không thể tự mình vượt qua để đầu tư vào nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
01:37, 15/08/2018
05:30, 30/12/2017
10:55, 11/03/2017
12:06, 02/03/2017
10:54, 25/02/2017
Thứ hai, là vấn đề đã là nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt đều phải cần đất đai. Tuy nhiên quỹ đất của chúng ta hiện manh mún. Việt Nam là một trong những nước có quỹ đất nhỏ nhất thế giới, chỉ có 0,5-0,6 ha/hộ và chia ra nhiều mảnh, hộ làm ăn nhỏ lẻ.
Người dân dù rời khỏi quê hương nhưng vẫn không dám bán đất. Mảnh đất tại quê hương không còn là tư liệu sản xuất mà là bảo hiểm.
- Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Theo tôi, vấn đề chính là phải rút được lao động ra. Trước hết, cần gắn thị trường lao động với thị trường đất đai. Theo đó, khi lao động đi ra khỏi nông thôn phải vào được thị trường lao động chính thức. Xử lý một câu chuyện đất đai là chưa đủ.
Cùng với đó, trong Luật đất đai, Luật Dân sự đã quy định quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản chúng ta phải thể hiện nó ra. Tức là tất cả giá cả đất phải minh bạch và thể hiện bằng quan hệ cung cầu không do nhà nước đặt ra. Thủ tục mua bán giữa hai bên không nên quá nhiều thủ tục phức tạp. Có như vậy, đất đai mới tập trung được vào tay doanh nghiệp, nhà đầu tư để hoá giải điểm nghẽn đầu tư vào ngành nông nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!